“Hôm qua tôi nhận được đơn kiện của cổ đông một công ty niêm yết về việc kiểm toán không chính xác”, phó vụ trưởng vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, bộ Tài chính Hà Thị Ngọc Hà đưa dẫn chứng khi bày tỏ băn khoăn về chất lượng kiểm toán. Mặc dù, theo đánh giá của bộ Tài chính, nhìn nhận một cách khái quát, thông tin từ các báo cáo tài chính sau khi có ý kiến của kiểm toán đã được các tổ chức, cá nhân tin cậy làm cơ sở cho các quyết định đầu tư, song “xã hội chưa thực sự hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng kiểm toán và làm giảm lòng tin của người sử dụng vào báo cáo kiểm toán”. “Các anh có chia hoa hồng như thông lệ không?”
Phát biểu của bộ Tài chính đã đi thẳng vào một trong những vấn đề mà hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng như các hội viên đang trăn trở. Tổng giám đốc công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C Võ Hồng Tiến chỉ ra rằng, báo cáo về tình hình hoạt động của các công ty kiểm toán của VACPA chưa đề cập đến vấn đề “cực kỳ đáng xấu hổ” trong kiểm toán xây dựng cơ bản. Theo đó, các công ty kiểm toán trong lĩnh vực này sẵn sàng chia từ 30 – 40%, thậm chí đến 50% hoa hồng kiểm toán cho các đối tác để nhận được hợp đồng và để cho các đơn vị này tự làm, tự ký đánh giá kiểm toán. “Khi chúng tôi làm việc với một doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng cơ bản, đai diện đơn vị này đã hỏi thẳng chúng tôi: Công ty anh có chia hoa hồng như thông lệ các công ty kiểm toán xây dựng cơ bản vẫn làm không? Chúng tôi đã từ chối việc chi hoa hồng, đồng nghĩa từ chối luôn hợp đồng với đơn vị này”, ông Tiến kể.
Kết quả kiểm tra tình hình hoạt động năm 2011 của 30 công ty kiểm toán được VACPA công bố mới đây cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế, từ chấp hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, ký kết hợp đồng dịch vụ và quản lý khách hàng, quy trình kiểm toán và hồ sơ làm việc… Chẳng hạn, liên quan đến quy trình kiểm toán và hồ sơ làm việc, báo cáo nêu rõ: “Phần lớn các hồ sơ được kiểm tra đều chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán quan trọng theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hiện hành”. Chẳng hạn, liên quan đến bằng chứng kiểm toán, nhiều công ty không thực hiện thủ tục gửi thư xác nhận đối với số dư tiền gửi ngân hàng, tiền vay, nợ phải thu, nợ phải trả mà chỉ kiểm tra, đối chiếu trên cơ sở các tài liệu khách hàng cung cấp (như công ty kiểm toán KTV, HANCO, AAFC, ASCO, AACC…). VACPA cũng cho rằng, đa số các hồ sơ được kiểm tra chưa thể hiện các thủ tục đánh giá rủi ro về gian lận và sai sót cũng như xây dựng thủ tục kiểm toán nhằm phát hiện gian lận và sai sót.
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến vi phạm trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã không được công ty kiểm toán phát hiện, kiến nghị và xử lý kịp thời. Đơn cử như trường hợp công ty Dược Viễn Đông (DVD – sàn HSX), kinh doanh thua lỗ song báo cáo tài chính vẫn thể hiện kết quả ấn tượng, song cả cả hai công ty kiểm toán lớn là là ACC và Ernst & Young đều không phát hiện ra, khiến cho hàng ngàn nhà đầu tư “chết đứng” vì tin tưởng vào báo cáo đã “qua tay” công ty kiểm toán. Gần đây nhất, ngày 28.4, các nhà đầu tư của ngân hàng Habubank cũng rơi vào tình trạng “ngã ngửa” khi nhận thông tin, theo đánh giá đặc biệt của ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của Habubank liên tới 32,6%, lợi nhuận trước thuế âm 4.197 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 195 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo kiểm toán của Ernst & Young tại ngày 29.2.2012, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 16,06%, vốn chủ sở hữu còn 3.741 tỷ đồng – được cho là theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Đáng ngạc nhiên là, kết quả kiểm toán cũng của Ernst & Young, cuối năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của Habubank chỉ là 4,42%, vốn chủ sở hữu vẫn còn 4.390 tỷ đồng!
Doanh nghiệp nhỏ bị chèn ép từ hai phía
Cùng với những tồn tại, hạn chế trong chất lượng kiểm toán, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự bức xúc về tình trạng phân biệt đối xử, thậm chí có biểu hiện “cá lớn nuốt cá bé” trong ngành.
Tổng giám đốc, chủ tịch Hội đồng thành viên công ty AASC Ngô Đức Đoàn, nêu ý kiến: các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng lớn luôn đặt yêu cầu đối tác phải là một trong 4 hãng kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới, bao gồm PWC, Deloitte, E&Y và KPMG (Big4). Bản thân tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đặt ra rào cản cho các công ty trong nước khi chỉ định Big4 kiểm toán tại các công ty có vốn nhà nước mà SCIC quản lý. Báo cáo của VACPA cũng cho thấy, kết quả kinh doanh của nhóm Big4 vẫn tăng trưởng nhanh trong năm 2011, trong khi các công ty kiểm toán trong nước chững lại.
Tổng giám đốc công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C Võ Hồng Tiến bổ sung: cơ quan quản lý có biểu hiện nương nhẹ với vi phạm của nhóm Big4, trong khi lại mạnh tay với các công ty kiểm toán trong nước, nhất là nhóm nhỏ và vừa. Ông Tiến lấy ví dụ, kết quả kiểm toán ngân hàng Habubank của công ty kiểm toán Ernst & Young có sự chênh lệch vô cùng lớn chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn (từ có lợi nhuận đến âm vốn nặng nề), song đến nay vẫn “chưa có vấn đề gì”. Theo ông Tiến, nếu trường hợp này, rơi vào các công ty kiểm toán trong nước sẽ bị “xử lý tới bến”. Đơn cử như trường hợp báo cáo kiểm toán của một công ty trong nước thiếu trình bày về hồ sơ chi phí sản xuất, kinh doanh, bộ Tài chính đã xử phạt, treo bằng kiểm toán viên mà theo ông Tiến, sai sót này chỉ đáng ở mức nhắc nhở.
Trong khi đó, nhóm Big4 có biểu hiện “cư xử không đẹp” khi cạnh tranh không lành mạnh với các công ty kiểm toán trong nước. Theo quy định, giá trị hợp đồng kiểm toán năm nay không được thấp hơn năm ngoái. Song có công ty trong nhóm Big4 đã ký hợp đồng kiểm toán với một doanh nghiệp chỉ là 30.000 USD, trong khi hợp đồng họ ký với một công ty kiểm toán trong nước năm trước 50.000 USD. “Đây là một biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép các doanh nghiệp nhỏ”, ông Tiến bức xúc.
Theo Sài Gòn Tiếp thị