Kiến thức Đãi ngộ Nâng lương: Đáp án trong tay doanh nghiệp

Nâng lương: Đáp án trong tay doanh nghiệp

11
Trả lương thấp, công nhân không làm việc tận tình, sản phẩm không bảo đảm chất lượng, hao phí nguyên vật liệu nhiều và còn có nguy cơ tranh chấp làm mất uy tín thương hiệu, mất khách hàng… 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Trong 2 năm qua, Công ty Cơ điện lạnh Tân Thái (quận 11 – TPHCM) đã tăng lương cho công nhân (CN) 2 lần, mỗi lần 200.000 đồng; nâng tổng thu nhập của CN lên khoảng 2 triệu đồng/tháng. “Việc nâng thu nhập cho người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) và đáp án của bài toán nằm trong tay của chính DN” – ông Phạm Thái Khanh, Giám đốc Công ty Tân Thái, khẳng định. 

“Một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ” 
Công ty Tân Thái chuyên sản xuất và lắp đặt hệ thống làm lạnh công nghiệp. Uy tín, chất lượng của công ty phụ thuộc rất lớn vào tay nghề, thái độ làm việc của CN. Ngay khi mới vào tập sự, công ty đã trả lương cho CN 1,5 triệu đồng/tháng. Sau đó, công ty tổ chức đào tạo tay nghề và cử nhân viên kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn. Tiền lương được trả theo trình độ làm việc. Ông Khanh nhìn nhận: “Không ai làm việc tốt khi đồng lương không được trả tương xứng, đời sống không được bảo đảm. Đừng ngại trả lương cao, vấn đề là làm sao nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động”. 
Ông Nguyễn Đình Kim, Giám đốc DN tư nhân giày Á Châu (quận 10 – TPHCM), nói thẳng: “Thời buổi bây giờ mà trả lương triệu mấy một tháng, chả ai làm việc cho mình. Và điều này cũng không sòng phẳng với CN”. Gần 1.000 CN Công ty Á Châu hiện nay có thu nhập bình quân từ 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/tháng. Theo ông Kim, nhiều DN tìm cách ép giá nhân công thực ra là lợi bất cập hại. Bởi trả lương thấp, CN không làm việc tận tình, sản phẩm không bảo đảm chất lượng, hao phí nguyên vật liệu nhiều… Chưa kể, còn có nguy cơ xảy ra tranh chấp làm mất uy tín thương hiệu, mất lao động. 

Lợi nhuận ngất ngưởng, trả công quá “bèo” 
Để lý giải cho việc tiền lương của CN ngành may, giày, gỗ… thấp, DN thường cho rằng do giá gia công thấp. Thế nhưng, làm gì để có giá gia công cao hầu như các DN không có biện pháp. Trong khi, ở một số quốc gia lân cận, tiền lương của CN cao hơn và các DN ngành này vẫn đang hoạt động bình thường không bị “vướng” bởi giá gia công. Giám đốc một DN giày tiết lộ: Nhiều hiệp hội DN chủ trương “thống nhất” tiền lương trả cho CN. Nếu DN nào trả cao hơn mức “trần” thì bị tẩy chay. Có thể xem, đây là một sự liên kết ngầm để “ghìm giá” tiền công lao động, tăng lợi nhuận cho DN. 
Cũng chính vị giám đốc này cho biết, đối với những nhà thầu phụ, chuyên sản xuất và bán sản phẩm cho những công ty lừng danh trên thị trường, một đôi giày được sản xuất với giá thành chưa đến 10 USD. Trong đó, nguyên phụ liệu khoảng 5 USD, chi phí quản lý khoảng 2 USD, tiền công của CN khoảng 2 USD và được bán cho các công ty với giá khoảng 16 USD. Như vậy, trung bình một đôi giày, DN lãi 6 USD. Tại TPHCM, có DN mỗi năm sản xuất 10 triệu đôi giày, mức lãi sẽ là bao nhiêu, có thể tính được ngay. Thế mà, mức lương họ trả cho CN nhiều năm qua chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng và họ đưa ra đủ thứ lý do để không nâng thu nhập cho CN. 

Nên thống nhất mức “sàn” giá gia công 
Không thể phủ nhận một thực tế là, bên cạnh việc ép giá gia công, vẫn còn tình trạng các DN nhỏ cạnh tranh bằng cách đưa ra giá gia công thấp để tranh giành khách hàng. Điều này rất nguy hiểm bởi nó làm xáo trộn thị trường, kéo giá tiền lương xuống thấp. Cuối cùng, chính DN đó sẽ gánh chịu hậu quả vì tiền lương thấp không thể thu hút CN giỏi, không thể bảo đảm chất lượng, tiến độ giao hàng. 
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Giày Thiên Lộc (quận 12-TPHCM), tính toán: “Để có mức lương 1,6 triệu đồng/tháng cho người lao động, DN không thể nhận giá gia công bình quân mỗi đôi giày dưới mức 1,8 USD. Nhưng nhiều DN nhỏ vì thiếu đơn hàng nên hạ giá gia công chỉ còn 1,2 USD. Với mức giá này, không thể nào trả lương cho CN tốt được”. 
Bà Xuân Lan đề nghị: Thay vì thống nhất mức “trần” tiền lương thì các DN nên thống nhất mức “sàn” giá gia công để tránh bị đối tác ép giá. Các hội ngành nghề, các hiệp hội DN nên phát huy khả năng đàm phán, thống nhất giá gia công. Tránh tình trạng DN phải tự “bơi” và cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá và đời sống của người lao động.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không