Kiến thức Tài chính kế toán Sai sót trong số liệu báo cáo tài chính

Sai sót trong số liệu báo cáo tài chính

2411
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamDù được coi là minh bạch, chuẩn mực nhất, nhưng trên thực tế, kết luận về sự chính xác thông tin trong báo cáo tài chính kiểm toán mà kiểm toán viên đưa ra lại dựa trên cơ sở chịu trách nhiệm của ban giám đốc doanh nghiệp về việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Vì vậy, vẫn có những lỗ hổng về tính chính xác trong các số liệu của Báo cáo tài chính kiểm toán.

Thời gian gần đây, khi kết quả kinh doanh năm 2010 của các công ty chứng khoán lần lượt được công bố, thì đã xuất hiện không ít lo ngại về sự thua lỗ, thậm chí mất vốn nặng nề của các công ty này. Nhưng có vẻ nghi ngại không chỉ dừng lại ở số lỗ đã được công bố, mà còn ở cả tính minh bạch, chính xác của chính những con số ấy.

Một chuyên gia chứng khoán, người làm việc lâu năm tại chính công ty chứng khoán cho rằng, “với kinh nghiệm cá nhân của tôi thì hầu hết các báo cáo đó chưa cho thấy được tình trạng thực sự của các công ty chứng khoán (ngoại trừ phần thuyết minh nói về danh mục cổ phiếu tự doanh thua lỗ theo Thông tư 162)”.

Có hai lý do để bảo vệ quan điểm này, trước hết là tính chính xác của doanh số tự doanh. Trên thực tế, con số này có thể không được thể hiện chính xác trong Báo cáo tài chính, mà được “treo” ở những nơi khác (theo kiểu các tài khoản phụ A, B, C mà lâu nay dư luận vẫn đồn đại). Việc ẩn số liệu giúp công ty chứng khoán không nhỏ trong việc tạm thời giấu được khoản lỗ, không cần phải trích lập dự phòng.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến những hoạt động “ngoài luồng” của công ty chứng khoán, trong đó đáng kể nhất là việc cho nhà đầu tư đánh margin (cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính). Tình trạng một đội lái chứng khoán thua lỗ nặng không phải là điều gì đó xa lạ với công chúng đầu tư năm qua, khi thị trường chứng kiến đợt suy giảm kéo dài, nên việc công ty chứng khoán dính nợ xấu với khách hàng âm tài khoản margin là điều khó tránh khỏi. Nhưng vì khoản này không được thể hiện công khai trong giấy tờ, tài liệu của doanh nghiệp, nên công ty chứng khoán không trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu đó. Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể ép doanh nghiệp trích lập dự phòng ngay cả khi gần như mất trắng khoản cho vay margin.

Đây mới chỉ là nhìn vào khối công ty chứng khoán. Nhìn rộng ra, việc mập mờ trong hạch toán sổ sách, những gian lận trong lập giấy tờ kinh doanh… chính là nguyên nhân căn bản khiến không ít Báo cáo tài chính kiểm toán đã bị mất đi chính xác. Không chỉ Dược Viễn Đông, một doanh nghiệp ngành dược đang niêm yết trên TTCK Việt Nam, mà một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất đầu tư cũng đang “dính” nghi vấn về khả năng làm giả số liệu trong Báo cáo tài chính. Chưa đủ chứng cứ để kết luận, nhưng không ít ý kiến cho rằng, con số kết quả kinh doanh vượt xa quy mô, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và trong một vài trường hợp cụ thể rơi vào tình trạng không thể giải thích được lý do của việc siêu lợi nhuận ấy chính là lý do khiến nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng gian lận số liệu trong Báo cáo tài chính.

Thực tế, nếu không có ý kiến ngoại trừ, lưu ý, thì báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp nào cũng có một nhận định chung theo mẫu: “Xét trên các khía cạnh trọng yếu, Báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của… tại ngày…, cũng như kết quả sản xuất – kinh doanh và các luồng lưu chuyển tiền tệ của công ty cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, phù hợp với chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam hiện hành và các quy định pháp lý có liên quan”.

Phó giám đốc một công ty kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cho biết, báo cáo kiểm toán được lập trên cơ sở cam kết của ban lãnh đạo doanh nghiệp về mức độ trung thực, toàn diện của số liệu đưa ra. Kiểm toán trên cơ sở đó xem xét tính hợp lý trong cách lập số liệu xem đã đúng với chuẩn mực, quy định hay chưa. Trong trường hợp có những hợp đồng hay các ràng buộc kinh tế mà kiểm toán phát hiện ra là có thể có những ảnh hưởng thì khi đó sẽ trao đổi thêm với ban lãnh đạo doanh nghiệp để làm rõ và đánh giá những tác động. Vị này cũng chia sẻ: “Trong trường hợp mà ban lãnh đạo doanh nghiệp cố tình giấu các thông tin một cách tinh vi thì kiểm toán cũng… chịu”.

Không biết đây có phải là nguyên nhân dẫn đến những báo cáo kiểm toán “hớ” như trường hợp báo cáo kiểm toán của Bông Bạch Tuyết hay báo cáo soát xét bán niên của Dược Viễn Đông hay không, nhưng có thể nói, nó đủ “rộng” để những ban lãnh đạo doanh nghiệp cố tình gian dối dữ liệu “lọt khe”.

Rõ ràng, kiểm toán viên không thể thay thế vai trò của một điều tra viên trong tình huống doanh nghiệp có mục đích và kỹ năng “che đậy” thông tin tốt. Bài học thực tế của Enron, Worldcom, Vivendi, Qwest hay mới đây là New Century (đã rất tinh vi trong việc giấu giếm, làm giả số liệu, bưng bít thông tin hoặc lách chuẩn mực kế toán) hoặc sự kiện Maddoff (bưng bít số liệu và công ty kiểm toán kém chất lượng) trên thế giới là những minh chứng về sự sai sót trong Báo cáo tài chính kiểm toán.

Những scandal về kiểm toán đã xảy ra ở cả những công ty kiểm toán có uy tín, doanh nghiệp lớn. Vì thế, khi cơ chế giám sát sự “thật thà” của ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa đủ lớn, nếu nhà đầu tư giao phó số mệnh tài khoản của mình đơn thuần dựa vào con số trong Báo cáo tài chính công bố, thì không thể dám chắc một ngày nào đó họ không phải nếm trái đắng của sự lừa dối.

Theo Đầu tư chứng khoán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không