Kiến thức Chiến lược Tính gọn để vượt khó

Tính gọn để vượt khó

9
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamKhi bộ máy doanh nghiệp được làm gọn lại, mỗi người trong bộ máy ấy đang dần trở thành nhân công tinh nhuệ hơn, làm việc có hiệu quả hơn, doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng sau thời khủng hoảng…
Lạm phát tăng cao, thị trường nhiều biến động, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải từng ngày từng giờ suy nghĩ tìm hướng đi đúng, bảo đảm sự tồn tại qua cơn “bĩ cực” để có thể tiếp tục đi đến ngày “thái lai”.
Mới đầu năm nay, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, công nghệ thông tin… đang hừng hực khí thế phát triển, nay buộc phải cắt giảm nhân công, giảm lương nhân viên, tinh gọn bộ máy…
Làm gì để có thể gồng mình vượt qua thời đoạn thử thách đầy cam go này? Suy đi ngẫm lại, bàn tới tính lui, có quá nhiều thứ để phải lo. Đụng đến chỗ nào cũng phải bàn đến việc tiết kiệm, cắt giảm. 
Nào phải quyết liệt cắt giảm mọi mặt chi tiêu, thậm chí có doanh nghiệp còn đưa ra mục tiêu cắt giảm đến 20%. Nào lo điều chỉnh mức lương hợp lý cho cán bộ – nhân viên để đuổi kịp vật giá leo thang từng ngày. Rồi đến lo những cái nhỏ nhất như phụ cấp thêm cho mọi người khi xăng tăng giá…
Những người quản lý nhận ra rằng có rất nhiều thứ buộc phải cắt giảm để tiết kiệm chi phí, nhưng cũng có lắm thứ khác vẫn phải đầu tư nhằm phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi lớn được đặt ra đối với mọi vị trí trong công ty, từ ban lãnh đạo đến từng nhân viên, từ khối văn phòng đến các đơn vị kinh doanh.
Trong thời đại kinh tế tri thức, con người vừa là động lực của sự phát triển, cũng vừa là mục tiêu phục vụ cuối cùng của một doanh nghiệp. Trong bài toán tổng thể, cuối cùng vẫn phải tập trung về một vấn đề là nhân sự.
Hai bài toán khó
Thông thường, khi nền kinh tế đất nước đang vận hành tốt thì vấn đề nhân sự cũng đã luôn gây đau đầu cho các nhà quản lý. Tuần trước hay tin nhân viên của đơn vị kia xin nghỉ, tuần này lại thấy nhân viên của mình nộp đơn. Nhân sự nghỉ việc có thể vì chán môi trường làm việc, sếp quản lý không tốt, xung đột với đồng nghiệp, năng lực yếu kém hoặc vì lương thấp…
Có muôn vàn lý do, nhưng đâu phải lý do nào cũng phơi bày được bản chất của sự việc. Còn nay, khi mà tình hình kinh tế đang khó khăn và diễn biến phức tạp, chuyện đến và đi của nhân viên xảy ra thường xuyên hơn và mọi lý do dường như đều tựu trung về một mối: đồng lương không đáp ứng đủ trong tình hình vật giá đang leo thang từng ngày.
Xâu chuỗi hàng loạt những cử động trong một doanh nghiệp mà thấy có lắm mâu thuẫn. Lạm phát tăng cao – đồng tiền mất giá – đồng lương thực tế bị giảm – nhân viên yêu cầu tăng lương. Chưa hết. Chi phí đầu vào tăng – cuộc cạnh tranh càng trở nên khốc liệt – khách hàng giảm – thị phần thu hẹp – doanh thu giảm – phải tiết kiệm các loại chi phí để tồn tại, kể cả phải giảm quỹ lương. Cùng một nguyên nhân là nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp buộc phải giải hai bài toán cùng một lúc: tăng lương cho nhân viên và giảm quỹ lương doanh nghiệp.
Hai bài toán đặt ra cùng một thời điểm. Đi tìm lời giải, một số doanh nghiệp đang triển khai mạnh mẽ chính sách tinh gọn bộ máy, cắt giảm nhân lực. Liều thuốc này rõ ràng là “đắng”, nhưng liệu có “giã tật”?
Cắt giảm không có nghĩa là đụng đâu cắt đó
Những người quản lý nhận ra rằng có rất nhiều thứ buộc phải cắt giảm để tiết kiệm chi phí, nhưng cũng có lắm thứ khác vẫn phải đầu tư nhằm phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Việc tiết giảm chi phí, cắt giảm nguồn lực đối với nhiều doanh nghiệp không có nghĩa là đụng đâu cắt đó. Mà cắt là cắt những vị trí nào không có hiệu quả, đang và sẽ không cần thiết cho sự phát triển chung. Có những công việc có thể ở vị trí của người này đang không tốt, nhưng khi chuyển cho người khác kiêm nhiệm lại hợp lý hơn, có hiệu quả hơn.
Thông thường, để phục vụ cho sự tăng trưởng, doanh nghiệp phải tăng số lượng nhân sự để đáp ứng nhu cầu. Nhưng khi tinh gọn, không có nghĩa là giảm tốc độ tăng trưởng doanh số, hoặc phải điều chỉnh kế hoạch tỷ lệ thuận với số lượng nhân sự cắt giảm, mà ngược lại doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.
Có nghĩa rằng ít người hơn nhưng vẫn bảo đảm khối lượng công việc hoặc sản lượng bằng hoặc hơn trước. Như vậy, vấn đề của sự tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí nằm ở tính hợp lý và tính hiệu quả.
Gọn thì phải tinh
Khi bộ máy gọn lại, mỗi vị trí trong doanh nghiệp đang dần trở thành nhân công tinh nhuệ hơn, làm việc hữu hiệu hơn và đổi lại, sẽ có mức thu nhập cao hơn. Doanh nghiệp đã tinh lọc ra được những con người có tâm huyết với sự nghiệp chung, đam mê nghề nghiệp và đạt hiệu quả công việc cao.
Yêu cầu cắt giảm cũng đã tạo thêm áp lực cho nhiều vị trí khác trong doanh nghiệp. Họ nhận thức rõ được nghĩa vụ mà mình phải thực hiện, biết được mình cần phải uốn nắn như thế nào, hoàn thiện nhanh chóng kỹ năng gì để có thể tiếp tục đi cùng doanh nghiệp, từ đó trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của họ sẽ được nâng cao.
Khi kế hoạch tinh gọn triển khai thành công, quỹ lương cũng được rút gọn lại và đã có những khoản dư ra có thể dùng để cân đối cho việc khác. Trong số đó, có thể trích một phần để lập được một chính sách lương hợp lý nhằm giữ chân người vừa có tâm vừa có tài. Và đó đương nhiên là việc cần làm.
Đến lúc này chúng ta đã có thể xây dựng được một nguồn nhân lực tinh nhuệ phù hợp với bộ máy doanh nghiệp và có mức thu nhập cao. Cùng một lúc nhiều bài toán được giải. Chi phí đầu vào phục vụ cho việc sản xuất-kinh doanh được giảm bớt; lương bổng của cán bộ-nhân viên chủ chốt được điều chỉnh tích cực; hiệu quả kinh doanh vẫn bảo đảm. Và quan trọng hơn cả là doanh nghiệp đã tái cấu trúc được một “cơ thể” gọn gàng và dồi dào sức khỏe đủ để vượt qua “mùa gió chướng”.
“Thuốc đắng giã tật”. Sau cơn “bạo bệnh”, thị trường cạnh tranh đã đào thải bớt những đối thủ yếm thế và cuộc chơi của doanh nghiệp lúc bấy giờ trở nên dễ dàng hơn.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không