Kiến thức Tin tức - Sự kiện Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 làm sao để giúp trẻ...

Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 làm sao để giúp trẻ vượt qua?

5
Cha mẹ cần “đổi vai” để hiểu và đồng hành cùng con, trong giai đoạn bé thích khám phá, khẳng định mình.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Hội thảo “Sức khỏe và tâm lý cho trẻ mầm non” do hệ thống trường Saigon Academy (thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng – NHG) tổ chức  vào ngày 10/4 ở Hội trường Thành ủy TP HCM
Tại hội thảo “Sức khỏe và tâm lý cho trẻ mầm non” diễn ra ngày 10/4 tại TP HCM, nhiều phụ huynh chia sẻ những lo lắng của mình khi chuẩn bị cho con đi học mầm non. Những vấn đề thiết thực này đã được các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tư vấn cụ thể. Từ đó, phụ huynh nắm bắt thông tin để giải quyết vấn đề căn bản của việc nuôi con ở lứa tuổi mầm non như làm sao để con khỏe mạnh, ít mắc các bệnh truyền nhiễm. Quan trọng hơn là giải quyết các vấn đề khủng hoảng lứa tuổi, xử lý hành vi chưa tốt và cha mẹ hỗ trợ trẻ phát triển.
Đổi vai để đồng hành cùng con trẻ

Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Tô Nhi A, giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM cho biết, trong giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ có một cột mốc khủng hoảng vào tầm 3 tuổi. Cột mốc này có thể sớm, muộn hơn hoặc trùng khớp tùy vào sự phát triển tâm lý của mỗi đứa trẻ. Thế nên, có những trẻ chỉ mới hơn 2 tuổi đã rất rắc rối nhưng có những trẻ gần 4 tuổi mới “chướng”.

Tuổi lên 3 là giai đoạn khủng hoảng đầu tiên trong 3 cột mốc khủng hoảng quan trọng của đời người (gồm lên 3, dậy thì và tuổi về già). Đây là lúc trẻ tích cực bước ra khỏi quan hệ phụ thuộc vào bố mẹ, bắt đầu tìm cách để phát huy tính tự lực, thể hiện bằng sự phát triển ngôn ngữ, ý thức cá nhân… Có trẻ bước vào giai đoạn này bằng những biểu hiện “ồn ào” (nhảy nhót không chán, nói năng liên tục…), nhưng có trẻ không có biểu hiện đặc biệt nào. Tuy vậy, mọi đứa trẻ đều có giai đoạn khủng hoảng nên lúc này cha mẹ cần biết cách đồng hành cùng con.

Bên cạnh đó, cha mẹ phải đưa trẻ đến trường vì lúc này bé thực sự bắt đầu muốn hoạt động và có thành tựu trong cuộc sống của mình. Môi trường gia đình không đủ để thể hiện vai trò của chính trẻ một cách tự nhiên. Vì thế, các bé cần đến trường, tham gia vào cuộc sống cộng đồng và hoạt động xã hội để phát huy tất cả các mặt đạo đức, trí tuệ, thể thao, thẩm mỹ…

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa
Cho trẻ uống kháng sinh lúc nào?

Không phải lúc nào sốt, bệnh, trẻ cũng cần uống kháng sinh. Đây là khẳng định của bác sĩ Trí Đoàn – Giám đốc Y khoa, bác sĩ Nhi khoa Bệnh viện Victoria. Đối với những bệnh cảm cúm thông thường, do nhiễm siêu vi (trong đó có cả bệnh tay chân miệng) trẻ không cần dùng tới kháng sinh. Phương thuốc hữu hiệu nhất đối với trẻ đó là cần khoảng hai tuần để tự khỏi bệnh. Trong trường hợp trẻ bị bội nhiễm, biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi thì mới phải dùng đến kháng sinh, nhưng phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.

“Các ông bố bà mẹ đừng quá lo lắng khi con mình bị bệnh tay chân miệng, cũng như những biến chứng nặng của bệnh vì tỷ lệ biến chứng nặng rất ít. Tuy nhiên, trong các bệnh do nhiễm siêu vi, điều quan trọng là trẻ phải được chăm sóc đúng cách”, bác sĩ Đoàn nhấn mạnh.

Theo đó, trẻ cần được giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, rửa tay, mặc thoáng, uống nước mát và theo dõi thân nhiệt chặt chẽ, ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Ngoài ra, cần tách bé khỏi môi trường có khói thuốc lá, bao gồm hút thuốc lá thụ động qua người khác và thụ động gián tiếp qua các chất độc của khói thuốc lá bám trên quần áo, vật dụng của người lớn.

Các bệnh do siêu vi, chủ yếu tấn công trẻ nhỏ qua đường hô hấp như mũi, miệng. Vì thế, cách phòng bệnh tốt nhất là giữ vệ sinh nhà cửa, làm sạch đồ chơi và các vật dụng tiếp xúc thường xuyên, tránh các ổ dịch siêu vi. Phụ huynh phải dạy trẻ che miệng, mũi đúng cách khi ho hoặc hắt hơi (dùng khuỷu tay để che, không dùng bàn tay để che vì tay rất dễ làm lây lan siêu vi).

“Chỉ những bệnh lý do vi khuẩn, vi trùng gây ra mới phải dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, ngay cả bệnh viêm tai giữa, cũng có đến 20% không cần thiết phải dùng kháng sinh. Vì thế, để không lạm dụng thuốc kháng sinh với trẻ nhỏ, cha mẹ phải theo dõi bệnh lý của con chặt chẽ và khám bệnh cho con ở những địa chỉ uy tín về y khoa”, bác sĩ Trí Đoàn khuyên.

Phát huy tiềm năng não bộ của trẻ 

Khoa học đã chứng minh thời kỳ lý tưởng nhất để phát triển trí tuệ con người, hình thành tính cách và phẩm chất tốt đẹp chính là giai đoan 0-6 tuổi. Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời thì tiềm năng não bộ sẽ giảm dần theo quy luật. Vì vậy, giáo dục sớm ngày nay đã được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và trở thành một cuộc cách mạng về giáo dục trên thế giới.

Giáo dục sớm mang ý nghĩa đặc biệt và có tác dụng phi thường đối với sự trưởng thành của trẻ. Xu hướng này nhấn mạnh đến vai trò chung tay của phụ huynh bên cạnh việc chọn lựa một nền tảng giáo dục phù hợp để trẻ phát triển tối ưu. Giáo dục phát triển sớm áp dụng thành công cách đây gần 7 thập niên và ngày càng lớn mạnh tại các nước lớn như Nhật Bản, Mỹ…, trở thành một cuộc cách mạng về giáo dục trên thế giới.

Tại hội thảo, bà Mã Mỹ Loan – Giám đốc điều hành hệ thống trường Saigon Academy đã giới thiệu các phương pháp giáo dục nhằm phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ cho trẻ trong giai đoạn vàng từ 0-6 tuổi như dạy linh hoạt, học trong các trò chơi mà nhà trường đang áp dụng. Qua đó, phụ huynh tham gia hội thảo có thêm kiến thức nuôi dạy con cũng như có sự lựa chọn đúng đắn “ngôi nhà thứ 2” khi con sẵn sàng đến trường. Các giáo viên và chuyên gia cũng thực hiện tư vấn phụ huynh tìm hiểu và chọn lựa phương pháp giáo dục sớm hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.

Theo VNexpress

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không