Hai năm qua, Chính phủ đã tăng lương tối thiểu liên tục và mức tăng đều trên 12%, nhưng thực chất, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.
Dù đã nhiều lần thực hiện cải cách tiền lương, thế nhưng đến nay, mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Cuối tháng 4 vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã có phiên họp bàn kỹ thuật cho đợt tăng lương trong năm nay. Tuy nhiên điều mong đợi nhất là liệu lộ trình tăng lương tối thiểu có cán đích vào năm 2017 để ổn định đời sống của người lao động hay không?
Theo tính toán, năm 2017 lương tối thiểu phải tăng khoảng 30% mới đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết việc điều chỉnh lương trong các năm tới cũng vẫn cần phải theo một lộ trình nhất định.
Còn nhớ, năm 2015, Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải trải qua nhiều kỳ họp mới đi đến được thống nhất về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4%.
Tuy nhiên, mức lương hiện nay còn xa mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Cụ thể, theo ông Lê Trọng Sang, Trưởng Ban quan hệ lao động – Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: “Tùy theo mỗi vùng có từ 8 đến 21% từ vùng 1 đến vùng 4, như vậy có nghĩa rằng khoảng gần 20% tiền lương tối thiểu chưa tương thích với mức sống tối thiểu”.
Năm 2016, tình hình kinh tế tiếp tục có nhiều khó khăn. Điều dễ thấy là tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và công nhân không có việc làm đang xuất hiện ở nhiều nơi.
Thêm vào đó, mỗi lần lương tối thiểu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng có đà tăng theo. Câu chuyện “giá – lương” cứ đeo đuổi người lao động khiến cuộc sống của họ luôn trong tình trạng “ăn bữa nay lo bữa mai”.
Đến thời điểm này, cũng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tăng lương. Doanh nghiệp thì muốn người lao động chia sẻ bằng cách giãn lộ trình tăng lương. Còn người lao động thì lo sợ gánh nặng về lương và bảo hiểm sẽ khiến DN phải co hẹp sản xuất, cắt bớt việc làm vì thế nguy cơ họ mất việc lại tăng lên.
Với người lao động, mất việc còn đáng sợ hơn lương thấp. Tăng lương tối thiểu thực sự đang là “bài toán lớn” với doanh nghiệp khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Hiện nay, so với trong khu vực thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng suất lao động thấp, nếu chi phí cho người lao động quá lớn doanh nghiệp sẽ không còn năng lực để đổi mới công nghệ, đưa thiết bị vào tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Sang, việc tăng lương vẫn phải tiến hành theo lộ trình còn mức tăng bao nhiêu thì phải cân nhắc, chờ điều kiện cụ thể đời sống của người lao động và mức chịu đựng của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên cá nhân tôi thì tôi nhận định là Chỉnh phủ vẫn đang cân nhắc còn về phía Tổng liên đoàn kiến nghị với chính phủ chúng tôi vẫn đề xuất là tiếp tục có mức tăng. Mức ttăng như thế nào cho hợp lí thì cần phải tính toán hết sức cụ thể” – ông Sang nói.
Mục tiêu đến năm 2017, lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đề ra hay không còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế thế giới, biến động về tình hình sản xuất kinh doanh, giá thành sản phẩm bán ra của doanh nghiệp.
Về phương án tăng lương tối thiểu 2017, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2016. Năm nay các phương án đưa ra chúng ta phải tính toán kĩ, một mặt là theo đúng quy định của luật là mức lương tối thiểu phải hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.
Nhưng các nhân tố khác chúng ta phải chú ý, ví dụ như vấn đề năng suất lao động, mặt bằng tiền công trên thị trường, vấn đề việc làm, vấn đề cạnh tranh quốc gia và đặc biệt là các nhân tố của khu vực”.
Tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, khi lương tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng tương xứng. Do vậy, ngoài việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì rất cần có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động.
Đây chính là đòn bẩy tăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015, vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng ), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng ).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%.
Theo VOV