Kiến thức Đãi ngộ 2 tháng 8: họp kín thương lượng về phương án tăng lương...

2 tháng 8: họp kín thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu 2017

13
2 – 8, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 (họp kín) để họp bàn và thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu 2017.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Đa số công nhân lao động phải rất tằn tiện, sống kham khổ mới có dư chút tiền để gửi về quê phụ giúp gia đình. Trong ảnh: một công nhân ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) chỉ có mua mớ rau muống và chút đậu sốt cà chua cho bữa tối, sau một ngày lao động vất vả – ảnh: Văn Duẩn

Sáng nay 2-8, tại khách sạn Hanvet, Khu 1 thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 để họp bàn và thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu 2017, sau khi phiên họp thứ nhất diễn ra ở TP Hải Phòng chưa tìm được tiếng nói chung giữa 3 bên gồm: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam (đại diện cho người lao động) và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trao đổi với phóng viên ngay trước khi chuẩn bị bước vào cuộc họp sẽ diễn ra lúc 9 giờ, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam , Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, cho biết tùy vào tình hình thương lượng tại cuộc họp sẽ tính toán. “Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ không bao giờ chấp nhận với mức đề xuất tăng lương chỉ 5% mà phía VCCI đưa ra ở phiên thương lượng trước tại Hải Phòng. Thấp nhất cũng phải dung hòa các mức mà bộ phận kỹ thuật của hội đồng đã đưa ra”- ông Chính bày tỏ.

“Nếu không đạt được mức thương lượng, chúng tôi sẽ đề nghị dừng phiên thương lượng, bởi thực tế mức đề xuất tăng lương 5% mới chỉ đủ bù trượt giá, chưa nói gì đến điều chỉnh tăng lương”- ông Chính quả quyết.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện Trưởng Viện Công nhân Công đoàn, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, khẳng định: “Việc đề xuất chỉ tăng lương 5% thì là quá tệ bạc đối với người lao động” và không thể nào chấp nhận được. “Quan điểm của chúng tôi là đề nghị phải tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 10% trở lên. Mà tôi nghĩ phải tăng từ 10% trở lên mới chấp nhận được”- ông Thọ cho biết.

“Quan điểm của VCCI cũng chỉ là thiểu số, bởi cả 3 phương án mà bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra cũng cao hơn nhiều so với mức VCCI đưa ra. Nếu VCCI vẫn quả quyết giữ mức đề xuất này, chúng tôi sẽ bỏ cuộc họp ra về”- ông Thọ cho hay.

Phần lớn người lao động ở các Khu công nghiệp – Khu chế xuất phải ở trọ trong những căn phòng chật chội, ẩm thấp như thế này để giảm chi phí – ảnh: Văn Duẩn

Trước đó, hôm 20-7 tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm các thành viên đại diện cho 3 bên, gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI đã họp phiên thứ nhất để bàn, thương lượng phương án tiền lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017. Do đây là cuộc họp kín nên báo chí không được tham dự, tiếp cận.

Tại phiên thương lượng lần thứ nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chưa thể “chốt” được phương án tăng lương để đề xuất lên Chính phủ bởi còn sự “vênh” nhau quá lớn giữa đại diện cho người lao động và đại diện cho giới chủ. Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án tăng LTT ở mức tuyệt đối từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng (tỉ lệ tăng bình quân là khoảng 11,11%). Với phương án tăng mức LTT vùng bình quân 11,11% mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra sẽ đáp ứng được khoảng trên 90% đời sống tối thiểu của NLĐ; còn lại gần 10% nữa, theo lộ trình đến năm 2018 sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ. Tuy nhiên phía VCCI chỉ đề xuất tăng 5%.

Tại phiên họp thứ nhất tại Hải Phòng, sau khi đánh giá tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, mức sống của người dân, người lao động (NLĐ), dự báo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, các nguyên tắc xét duyệt tiền lương…, bộ phận kỹ thuật của hội đồng đã đưa ra 3 phương án: Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra 3 phương án điều chỉnh LTT vùng 2017. Phương án 1: Mức tăng từ 250.000 – 350.000 so với năm 2016, tương đương tăng 9,7-10,4% so với năm 2016; Phương án 2: Mức tăng từ 200.000 – 300.000 đồng, tương đương tăng 8,6%; Phương án 3: Mức tăng từ 200.000 – 250.000 đồng, tương đương 7,1-8,3%.

Đại diện người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề xuất phương án tăng LTT ở mức tuyệt đối từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng (tỉ lệ tăng bình quân là khoảng 11,11%). Trong khi đó, cũng nhìn nhận và chia sẻ khó khăn với người lao động song đại diện cho người sử dụng lao động là VCCI chỉ đề xuất mức tăng là 5%. Lý do VCCI đưa ra là hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nếu mức LTT tăng cao sẽ kéo theo các chi phí khác như BHXH, BHYT cũng tăng theo, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Người lao động

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không