Kiến thức Tin tức - Sự kiện Hãy để trẻ phạm sai lầm!

Hãy để trẻ phạm sai lầm!

14
Nhầm lẫn của phụ huynh trong việc dạy con gây ra những hậu quả đôi khi là sự hối hận mãi mãi của các bậc làm cha mẹ.
Thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng cho rằng ngày nay cha mẹ quan tâm đến con cái nhiều hơn, nhưng theo ông ước tính khoảng 70% cha mẹ chỉ chú ý về kiến thức, thích khoe thành tích học tập của trẻ. Phụ huynh chưa quan tâm đúng mức về thể chất, nghị lực, ý chí của trẻ.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

 
Người lớn chúng ta cũng thỉnh thoảng mắc sai lầm. Thế nhưng, chúng ta lại không muốn trẻ nhỏ phạm bất cứ sai lầm nào cả, như thế là bất công. Trên thực tế, có khi trẻ học hỏi và lớn lên qua những lần phạm lỗi

Học sinh thiếu kiến thức thực tế

“Phần lớn học sinh hiện nay thiếu kiến thức thực tế”, ông Trọng nhận xét. Ông dẫn chứng: Trước đây, CLB Dạy con nên người có đưa 21 học sinh (trong đó có những em học lớp 7, lớp 8) đi Đà Lạt chơi. Các em luôn miệng hỏi còn bao lâu nữa sẽ đến nơi. Ông Trọng hỏi: “Đố các con chúng ta đang ở đâu? Từ TP.HCM, xe đã chạy được bao nhiêu cây số?”. Thế nhưng các em đều nói là không biết, dù câu trả lời có thể nằm ở các cột mốc hay những bảng hiệu nhan nhản hai bên đường.

Theo ông Trọng, nếu cha mẹ sớm cho con làm việc nhà thì ban đầu là sự vui thích của trẻ, vì các em nghĩ đấy là trò chơi khám phá cái mới. Qua đó, các em sẽ học được những kỹ năng và dần dần hình thành thói quen tốt, biết sống có trách nhiệm với bản thân và với người khác. “Kiến thức thực tế, những kỹ năng phải làm đi làm lại mới có được. Cho dù các em làm thất bại, cha mẹ cũng cần động viên, khích lệ để giúp trẻ tích lũy kinh nghiệm”, ông Trọng chia sẻ.

Ông Trọng lưu ý, sự chiều chuộng của cha mẹ với trẻ sẽ dần dần tạo thành tính cách không hay ở trẻ: Trẻ chỉ cảm thấy hài lòng khi được người khác phục tùng và chỉ thích làm theo những gì mình thích. Trong khi đó, một người trưởng thành và thành công là người đôi khi phải làm cả những việc mình không thích nhưng lại có ích cho người khác.

Hậu quả khó khắc phục

Một chủ doanh nghiệp tên Mỹ Hạnh, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM, kể: “Ngày trước, nhà tôi nghèo lắm. Tôi rất thấm thía nỗi nhục nghèo khó, nên tìm mọi cách làm giàu. Đến khi có điều kiện, tôi luôn cho mấy đứa con mặc toàn hàng hiệu, ăn uống ở những nhà hàng hạng sang”. Khi bà Hạnh làm ăn thất bát, bà kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng tiết kiệm, song đành bất lực trước thói quen chi tiêu phung phí đã quá “lậm” của mấy đứa con.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, cảnh báo: “Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng họ rất hối hận vì đã không dạy con sống tự lực, biết tiết kiệm. Bởi khi con em họ ra ngoài xã hội, đặc biệt là đi du học với tâm trạng âu lo, họ mới nhận ra vấn đề thì đã khá muộn”.

Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy bày tỏ: “Tôi nhận thấy nhiều cha mẹ thực hành cách dạy con rất yếu”. Khi đặt câu hỏi nếu con mình bị điểm kém, các anh chị phản ứng ra sao, nhiều phụ huynh tham gia buổi khai mạc chương trình hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ diễn ra tại Nhà thiếu nhi TP.HCM ngày 9.11, cho biết “rất tức giận”. Ông Uy đặt vấn đề: “Rõ ràng người lớn chúng ta cũng thỉnh thoảng mắc sai lầm. Thế nhưng, chúng ta lại không muốn trẻ nhỏ phạm bất cứ sai lầm nào cả, như thế là bất công. Trên thực tế, có khi trẻ học hỏi và lớn lên qua những lần phạm lỗi”.

Theo Thanh niên

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không