Trong một thế giới phẳng, sáng tạo nên cái mới được xem là chìa khóa vàng của thành công. Cho dù thị trường đã có phân khúc nhưng vẫn luôn tồn tại những kẽ hở. Vấn đề là, người kinh doanh giỏi sẽ phải nhìn ra được kẽ hở để “lách” vào.
Vậy đâu là kẽ hở dành cho doanh nghiệp Việt Nam?
Phóng viên đã mang câu hỏi này đến tham vấn Tiến sĩ Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội.
Thưa ông, vì lâu nay chúng ta vẫn thường có thói quen là làm ăn theo kinh nghiệm, nên nhiều người thắc mắc không biết người kinh doanh có cần kiến thức kinh doanh không, hay chỉ cần có năng khiếu và lịch duyệt thương trường?
Dĩ nhiên kinh doanh cần kiến thức, nhưng không phải cứ học giỏi trong nhà trường thì đương nhiên sẽ thành một người kinh doanh giỏi. Học cần nhưng chưa đủ. Đơn cử, chúng tôi là những người đi dạy kinh doanh nhưng đâu có kinh doanh được. Vì sao? Vì còn thiếu khả năng cảm nhận vấn đề. Nói theo giọng của giới doanh nhân, là không “ngửi” được sự kiện nào sẽ đem lại lợi nhuận. Người không có tư chất kinh doanh thì không thể “ngửi” ra ở đâu, cái gì sẽ kinh doanh được, cái gì sẽ hái ra… tiền.
Ông từng nói, sáng tạo ra cái mới là điều cần thiết nhất trong kinh doanh. Nhưng khi mà thị trường luôn chuyển động thì có nghĩa cái mới cũng sẽ trở thành cái cũ trong nháy mắt. Chìa khóa tìm ra kẽ hở nằm ở đâu?
Trung Quốc trong một thời gian dài, khi gia nhập nền thương mại thế giới, đã tìm ra một kẽ hở và khôn ngoan lách vào. Đó là phân khúc thị trường khách hàng cần giá rẻ, không cần chất lượng.
Vì nhu cầu của người tiêu dùng là động, động theo không gian, thời gian nên mới luôn tạo ra những kẽ hở trên thị trường. Khi người ta “chui” vào, “lấp” kín kẽ hở đó thì ngay lập tức lại xuất hiện những kẽ hở mới. Kinh doanh là phải luôn tìm ra kẻ hở. Đừng bao giờ nghĩ rằng thị trường thế giới đã kín hết rồi. “Chìa khoá” để tìm ra kẽ hở nằm ở đâu? Chính là tư duy. Nghiên cứu xem mấy đại gia làm gì, mình làm theo thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Vậy đâu là kẽ hở dành cho doanh nghiệp Việt Nam?
Lại xin đưa ra ví dụ. Ngành dệt may chẳng hạn. Theo tôi, nên khai thác thế mạnh design – thiết kế mẫu mã thì mới tạo nên giá trị gia tăng. Người Việt Nam có năng khiếu làm việc này. Ngành nông sản, thì nên tập trung vào khâu chế biến các loại thức ăn. Vì quy mô thị trường khó có thể tăng hơn, nhu cầu của thế giới cũng chỉ ngần ấy, cũng là gạo, cá, tôm… nhưng nếu chế biến thì sẽ thành một thị trường khác.
Đó gọi là tự tạo nên kẽ hở mới! Mà lại không đối đầu với các nhà cũng cấp khác đang có trên thị trường. Không đối đầu sẽ tránh được phiền phức, kiện tụng.
Tìm kẽ hở có cần khả năng dự báo và tầm nhìn chiến lược?
Chúng ta đang hoạt động trong điều kiện hội nhập và kinh tế thị trường, mọi tác động của thị trường thế giới đều ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, rõ nhất là giá cả và hối đoái. Để xảy ra những sự cố kinh tế, theo tôi có nguyên nhân tư duy. Dù chúng ta đã hội nhập nhưng tư duy vẫn là tư duy của nền kinh tế chỉ huy, cái gì Nhà nước cũng phải chỉ đạo, thậm chí Nhà nước phải bao cấp.
Về phía cơ quan Nhà nước, khi điều hành vẫn còn rơi rớt lối điều hành cũ, trong khi đó cơ chế thị trường vận hành theo quy luật riêng. Công tác dự báo trị trường thuộc chức năng quản lý của Nhà nước, nhằm hỗ trợ định hướng hoạt động kinh tế, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Dự báo sẽ dẫn dắt mọi hoạt động kinh tế, nhất là dự báo trung hạn và dài hạn, điểm mà chúng ta còn rất yếu.
Vì nhu cầu của người tiêu dùng là động, động theo không gian, thời gian nên mới luôn tạo ra những kẽ hở trên thị trường
Ở ngành nghề lĩnh vực nào cũng có thể thấy là đang vất vả tìm “kẽ hở” nhưng lại tự tạo ra quá nhiều “lỗ hổng” ?
Cơ chế thị trường vận động nhanh, cơ chế quản lý Nhà nước theo không kịp, đó là nguyên nhân căn bản nhất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Petrotimes
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông