Kiến thức Tài chính kế toán Kế toán khoản dự phòng phải trả và những lưu ý kèm...

Kế toán khoản dự phòng phải trả và những lưu ý kèm theo

1626
Khoản dự phòng phải trả là một thuật ngữ dễ gây nhầm lần cho các kế toán viên. Vậy kế toán khoản dự phòng phải trả như thế nào cho chính xác? Có điều gì cần lưu ý khi thực hiện kế toán khoản dự phòng phải trả hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tháo gỡ những khúc mắc, để từ đó việc hạch toán các khoản dự phòng phải trả trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
 
 
Kế toán khoản dự phòng phải trả
 

Tổng quan về khoản dự phòng phải trả


Khoản dự phòng phải trả là gì?

Khái niệm về các khoản dự phòng phải trả là: Nghĩa vụ nợ hiện tại của doanh nghiệp nhưng thường chưa xác định được thời gian thanh toán cụ thể.
Đây trường là các khoản chưa phát sinh do chưa nhận được hàng hóa, dịch vụ nhưng được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh kỳ này. Lý do là để khi phát sinh thực tế sẽ không gây đột biến cho chi phí sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các khoản dự phòng phải trả thường chỉ được ước tính và chưa xác định được chắc chắn số tiền sẽ phải trả. Có thể ví dụ như khoản chi phí dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng…
Các khoản dự phòng phải trả sẽ được trình bày tách biệt với các khoản phải trả thương mại và phải trả khác trên Báo cáo tài chính.

Phân loại các khoản dự phòng phải trả

Về mặt bản chất, ta có thể chia các khoản dự phòng thành ba nhóm chính:
Nhóm dự phòng nhằm bù đắp tổn thất tài sản của doanh nghiệp. Gồm: dự phòng giảm giá đầu tư tài chính (dài và ngắn hạn); dự phòng nợ phải thu khó đòi; dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Nhóm dự phòng về khả năng phát sinh nợ phải trả của doanh nghiệp. Gồm: dự phòng trợ cấp mất việc làm; dự phòng phải trả (bảo hành sản phẩm, hàng hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, các hợp đồng có rủi ro lớn…)
Dự phòng quỹ thuộc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Đây là dự phòng về khả năng tổn thất vốn chủ sử hữu do những nguyên nhân khách quan.

Cách trích lập khoản dự phòng phải trả

Dự phòng phải trả được ghi nhận khi thỏa mãn các điều kiện sau:
Doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ hiện tại (nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ liên đới). Do kết quả từ một sự kiện đã xảy ra.
Sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra. Dẫn đến việc yêu cầu phải thanh toán nghĩa vụ nợ.
Đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.
Giá trị được ghi nhận của một khoản dự phòng phải trả là giá trị được ước tính hợp lý nhất về khoản tiền sẽ phải chi. Để thanh toán nghĩa vụ nợ hiện tại tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Hoặc tại ngày kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ.
Để hiểu chi tiết hơn về cách trích lập các khoản dự phòng phải trả, mời bạn theo dõi thêm tại bài viết Trích lập dự phòng sao cho đúng?
Kế toán khoản dự phòng phải trả
 

Hạch toán các khoản dự phòng phải trả – Tài khoản kế toán 352


Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản dự phòng phải trả hiện có, tình hình trích lập và sử dụng dự phòng phải trả của doanh nghiệp. Để có thể thực hiện đúng công tác kế toán khoản dự phòng phải trả, tài khoản kế toán 352 này đã chỉ ra 12 quy định cần tôn trọng. Mời bạn truy cập bài viết Hạch toán chuyên sâu tài khoản 352 – Dự phòng phải trả của misa.com.vn để biết thêm chi tiết.

Kết cấu của tài khoản 352


Về cơ bản, kết cấu của tài khoản 352 là như sau:
Bên Nợ:
– Ghi giảm dự phòng phải trả khi phát sinh khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng đã được lập ban đầu;
– Ghi giảm (hoàn nhập) dự phòng phải trả khi doanh nghiệp chắc chắn không còn phải chịu sự giám sát về kinh tế do không phải chi trả cho nghĩa vụ nợ;

– Ghi giảm dự phòng phải trả về số chênh lệch giữa số dự phòng phải trả phải lập năm nay nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập năm trước chưa sử dụng hết.
Bên Có: Phản ánh số dự phòng phải trả trích lập vào chi phí.
Số dư bên Có: Phản ánh số dự phòng phải trả hiện có cuối kỳ.

Hạch toán tài khoản kế toán 352 – Phương pháp hạch toán một số giao dịch chủ yếu


1. Khi trích lập dự phòng cho các khoản chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426)
Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

2. Nếu doanh nghiệp có hợp đồng có rủi ro lớn mà trong đó những chi phí bắt buộc phải trả cho các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng vượt quá những lợi ích kinh tế dự tính thu được từ hợp đồng đó. Các chi phí bắt buộc phải trả theo các điều khoản của hợp đồng như khoản bồi thường hoặc đền bù do việc không thực hiện được hợp đồng, khi xác định chắc chắn một khoản dự phòng phải trả cần lập cho một hợp đồng có rủi ro lớn, ghi:
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426)
Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

3. Trường hợp doanh nghiệp bán hàng cho khách hàng có kèm theo giấu bảo hành sửa chữa cho các khoản hỏng hóc do lỗi sản xuất được phát hiện trong thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hoá, doanh nghiệp phải xác định cho từng mức chi phí sửa chữa cho toàn bộ nghĩa vụ bảo hành. Khi xác định số dự phòng phải trả cần lập về chi phí sửa chữa, bảo hành sản phẩm đã bán, ghi:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

– Khi xác định số dự phòng phải trả về chi phí bảo hành công trình xây lắp, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

4. Khi xác định số dự phòng phải trả khác cần lập tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426)
Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

5. Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả đã lập ban đầu, ghi:
5.1. Khi phát sinh các khoản chi phí bằng tiền mặt, ghi:
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
Có các TK 111, 112, 331…

5.2. Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, công trình xây lắp đã lập ban đầu, như chi phí nguyên vật liệu, chiphí nhân công trực tiếp, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài. . .,:
a. Trường hợp không có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp:
– Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến việc bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627…
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 214, 331, 334, 338…

– Cuối kỳ, kết chuyển chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí SXKD dở dang
Có các TK 621, 622, 627…

– Khi sửa chữa bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp hoàn thành bàn giao cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Phần dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá còn thiếu)
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

b. Trường hợp có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp, số tiền phải trả cho bộ phận bảo hành về chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp hoàn thành bàn giao cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Chênh lệch nhỏ hơn giữa dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá so với chi phí thực tế về bảo hành)
Có TK 336 – Phải trả nội bộ.

6. Cuối kỳ kế toán hoặc cuối kỳ kế toán giữa niên độ (sau đây gọi tắt chung là kỳ kế toán), doanh nghiệp phải tính, xác định số dự phòng phải trả cần lập ở cuối kỳ kế toán:
– Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hạch toán vào chi phí, ghi:
Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426).
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Đối với dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá)
Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

– Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hoàn nhập ghi giảm chi phí, ghi:
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
Có TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426).
Có TK 641 – Chi phí bán hàng (Đối với dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá).

– Cuối kỳ kế toán giữa niên độ hoặc cuối kỳ kế toán năm, khi xác định số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số chênh lệch phải hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
Có TK 711 – Thu nhập khác.

7. Hết thời hạn bảo hành công trình xây lắp, nếu công trình không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số chênh lệch phải hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả

Có TK 711 – Thu nhập khác.

8. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể tìm kiếm một bên thứ 3 để thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng (Ví dụ, thông qua các hợp đồng bảo hiểm, các khoản bồi thường hoặc các giấy bảo hành của nhà cung cấp), bên thứ 3 có thể hoàn trả lại những gì mà doanh nghiệp đã thanh toán. Khi doanh nghiệp nhận được khoản bồi hoàn của một bên thứ 3 để thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng, kế toán ghi:
Nợ các TK 111, 112… 
Có TK 711 – Thu nhập khác.

Phần mềm kế toán MISA SME.NET đáp ứng đầy đủ yêu cầu của kế toán nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu như:
– Quản lý chặt chẽ công nợ phải trả theo từng hoá đơn, nhà cung cấp, nhóm nhà cung cấp.
– Quản lý được công nợ phải trả theo từng nhân viên mua hàng, theo từng công trình, hợp đồng.

 

Để tìm hiểu thêm về phần mềm kế toán MISA SME.NET mới nhất, kế toán vui lòng click xem tại đây

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không