Bộ LĐ-TB-XH dự kiến năm 2011 có khoảng 90.000 lao động VN đi làm việc ở nước ngoài. Sự thay đổi về chính sách, tăng lương ở một số thị trường cùng với việc đưa ra các biện pháp duy trì, mở rộng thị trường, xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN hy vọng sẽ gặt hái được những kết quả khả quan trong năm nay.
Tăng lương, tăng thu nhập
Theo quyết định của Ủy ban Lao động và Bộ Tài chính Đài Loan, kể từ năm 2011, mức lương cơ bản của người lao động (NLĐ) sẽ tăng 3,47% so với năm 2010, tức từ 17.280 đài tệ (TWD)/tháng lên 17.880 TWD/tháng (1 TWD khoảng 650 đồng). Cùng với việc tăng lương cơ bản là quy định điều chỉnh thuế thu nhập của lao động nước ngoài.
Theo đó, đối với lao động nước ngoài cư trú đủ 183 ngày/năm có thu nhập hằng tháng dưới 1,5 lần tiền lương cơ bản (26.820 TWD/tháng), mức khấu trừ thuế thu nhập giảm còn 5% thay vì 6% so với năm 2010. Hiện có gần 90.000 lao động VN đang làm việc tại Đài Loan.
Dự kiến trong năm nay, sẽ có thêm khoảng 30.000 lao động VN đến Đài Loan làm việc. Với việc tăng lương và giảm thuế nêu trên, thu nhập bình quân của một lao động VN ở Đài Loan có thể đạt 17 triệu đồng/tháng.
Đối với thị trường Hàn Quốc, ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB-XH, cho biết vào thời điểm ngày 1-1 hằng năm, Hàn Quốc cũng tăng lương tối thiểu cho NLĐ. Mức lương tối thiểu áp dụng chung cho mọi khu vực trong năm nay là 4.320 won/giờ (1 won khoảng 17 đồng), tăng 5,1% so với năm 2010.
Với mức điều chỉnh này, tiền lương tối thiểu của NLĐ đạt khoảng 898.560 won/tháng (đối với người làm 40 giờ/tuần) và 976.320 won/tháng (đối với người làm 44 giờ/tuần). Hiện có khoảng 55.000 lao động VN đang làm việc tại Hàn Quốc thuộc đối tượng tăng lương. Ngoài ra, nhờ tỉ giá đồng won tăng cao so với USD nên thu nhập của NLĐ sẽ tăng đáng kể so với trước.
Giảm sự lệ thuộc với giới chủ
Tại UAE, một sự thay đổi lớn trong chính sách quản lý lao động trong năm 2011 sẽ có lợi cho lao động nước ngoài, trong đó có gần 10.000 lao động VN. Theo đó, thẻ lao động của lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân ở UAE có thời hạn 2 năm thay vì 3 năm như trước đây.
Với thay đổi này, NLĐ sau khi hoàn tất hợp đồng 2 năm có thể chuyển sang làm việc cho một chủ sử dụng lao động mới mà không cần sự đồng ý của chủ sử dụng lao động cũ và cũng không bị cấm làm việc trong 6 tháng kể từ khi hủy thị thực cũ như quy định trước đây. Theo Ban Quản lý Lao động VN tại UAE, sự thay đổi này sẽ tạo dịch chuyển linh hoạt, NLĐ tự do hơn, giảm sự lệ thuộc và có quan hệ cân bằng hơn với chủ sử dụng lao động.
Ở các thị trường khác, sự thay đổi chính sách quản lý lao động nước ngoài cuối năm 2010 cũng tạo thuận lợi cho hoạt động đưa lao động VN ra nước ngoài làm việc. Tại Nhật Bản, NLĐ không bị buộc nộp tiền ký quỹ, bảo lãnh chống trốn như trước; được công nhận tư cách lao động, được làm việc hưởng lương như lao động bản địa ngay trong năm đầu tiên. Tại Macau, hiện nay, lao động VN sang làm giúp việc gia đình thông qua doanh nghiệp phái cử bắt buộc phải xác định chủ sử dụng lao động trước. Điều này giúp NLĐ tránh được rủi ro sau khi đã nhập cảnh Macau; biết rõ công việc, thu nhập, quyền lợi của mình trước khi đi…
Cải thiện thu nhập ở thị trường trọng điểm
Ở Malaysia, thị trường XKLĐ trọng điểm của VN, dù nước này chưa có sự thay đổi đáng kể về chính sách nhưng trong nỗ lực cải thiện thu nhập cho lao động VN, Ban Quản lý Lao động VN tại nước này cho biết sẽ siết chặt hơn việc thẩm định hợp đồng của các doanh nghiệp.
Theo đó, ngoài những đơn hàng đăng ký có mức lương tối thiểu 21 ringgit (RM)/ngày (lương tối thiểu thấp nhất 18 RM/ngày), các doanh nghiệp phải lựa chọn những đơn hàng có việc làm ổn định, ăn ở của NLĐ bảo đảm theo các quy định hiện hành, thu nhập bình quân đạt từ 850 RM – 1.000 RM/tháng (khoảng 5,3 triệu đồng đến 6,2 triệu đồng).
Theo NLĐ