Trong thời gian gần đây, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án không phù hợp, không hiệu quả được coi là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí vốn nhà nước.
Dự thảo Luật đầu tư công quy định theo hướng lãm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương (là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các cấp) và quyết định đầu tư. Người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần xem xét, cân nhắc việc đầu tư dự án phù hợp với kế hoạch, quy hoạch, đảm bảo hiệu quả và nguồn lực thực hiện. Đồng thời bổ sung quy trình xin chủ trương đầu tư (lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án nhóm A, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B).
Ngoài ra, để từng bước khắc phục hạn chế trong quản lý đầu tư hiện nay là thiên về quản lý, kiểm tra quá trình thực hiện theo quy định, chưa chú trọng đúng mức đến quản lý hướng đến kết quả và hiệu quả cuối cùng; Dự thảo Luật bổ sung quy định về hình thức quản lý mới về ủy thác đầu tư dự án, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động dự án.
Dự thảo Luật Đầu tư công được xây dựng từ năm 2007 nhằm giải quyết những vướng mắc trong đầu tư công. Việc thiếu chế tài quản lý nguồn vốn nhà nước trong đầu tư công dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí, thất thoát và khó xác định được chủ thể có liên quan nếu xảy ra sai phạm.
Ngoài ra, các quy định hiện hành còn thiếu quy định về đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các công trình sau khi nghiệm thu, bàn giao, dẫn đến chương trình nhanh chóng xuống cấp. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các vấn đề nêu trên.
Một vấn đề khác cũng được nghiên cứu bổ sung là quy định về đánh giá kết thúc đầu tư và đánh giá tác động dự án, để làm rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và đặc biệt là các đơn vị tư vấn, như tư vấn đầu tư dự án, tư vấn thiết kế…, trong việc đảm bảo mục tiêu dự án đã được phê duyệt, nhằm khắc phục tình trạng chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng và phát huy hiệu quả dự án sau khi đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Chính phủ thông qua phương án là xây dựng một đạo luật về đầu tư công có tầm bao quát rộng để điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư từ nguồn vốn nhà nước. Theo đó, đạo luật này sẽ quy định toàn bộ các nội dung liên quan đến đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Vốn nhà nước bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn có tính chất ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước và các vốn khác do nhà nước quản lý.
Theo bộ này, với phạm vi điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước, sẽ khắc phục được sự chồng chéo và thiếu đồng bộ, đảm bảo tính nhất quán trong việc quản lý các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo hiệu quả cao hơn, khắc phục những tồn tại hiện nay.
Việc xây dựng luật với phạm vi điều chỉnh rộng theo phương án trên sẽ bao quát được toàn bộ các chương trình, dự án sử dụng vốn nhà nước, tạo ra một chính sách thống nhất về đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, vì ngoài việc xây dựng một đạo luật có phạm vi điều chỉnh rộng như vậy, cần rà soát một số lượng lớn các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư để có phương án điều chỉnh thích hợp và/hoặc thay thế toàn bộ nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với luật này. Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm toàn bộ các hoạt động đầu tư, kinh doanh sử dụng vốn nhà nước, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiền nghị là báo cáo Quốc hội để điều chỉnh Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIII.
Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước có một vị trí quan trọng: Bình quân giai đoạn 2001-2010, chiếm 46,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đầu tư của nhà nước bao gồm các nguồn chủ đạo là ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực công ích, không nhằm mục đích kinh doanh được giao cho các bộ, ngành, địa phương… chiếm 22% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn vốn lớn này lại chưa có một dự luật thống nhất mà chỉ được quy định rải rác trong các luật như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí….
Quốc Hùng
Theo TBKTSG
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông