Với mong muốn giúp các bạn trẻ định hướng công việc cho một năm mới đầy biến động, chúng tôi chia sẻ bốn cách tăng thu nhập cho nhân viên: làm thật tốt, thật nỗ lực và yêu cầu sếp tăng lương; làm thêm; chuyển qua công ty khác có mức lương cao hơn; làm trong lĩnh vực khác với lĩnh vực mình đang hoạt động. Việc chọn cách nào sẽ tùy thuộc hoàn cảnh mỗi người. Dưới đây là mặt “được” và “không” của bốn cách trên:
1, Làm thật tốt, thật nỗ lực và yêu cầu sếp tăng lương
Cách này sẽ không đem lại cho bạn thu nhập ngay mà đòi hỏi bạn phải nỗ lực trước một thời gian để có được sự nhìn nhận từ lãnh đạo, có thể sáu tháng đến một năm. Mặt “được” của cách này ở chỗ sẽ giúp bạn trưởng thành hơn trong công việc, giúp bạn được đánh giá cao trong mắt đồng nghiệp và sếp, bạn sẽ trở thành người đáng tin cậy.
Điều quan trọng nữa là bạn sẽ trở thành một người rất giỏi chuyên môn, dám đương đầu với thách thức trong công việc. Nếu thành công, bạn sẽ được tăng lương, thăng chức, đây sẽ là động lực thúc đẩy bạn làm tốt hơn nữa. Con đường công danh của bạn khi đó rất rộng mở.
Tuy nhiên có rủi ro là sau một thời gian bạn nỗ lực và yêu cầu tăng lương nhưng không được lãnh đạo công ty chấp nhận. Điều này quả là không may cho bạn vì đã làm việc cho người sếp không biết nhìn người. Trường hợp này hãy quyết định nhanh gọn, chọn phương án ba ngay lập tức.
2, Làm thêm
Đây là cách hầu hết mọi người chọn. Đơn giản là “ăn cắp” giờ làm việc của công ty làm việc riêng. Cách này giúp bạn có ngay thu nhập. Tuy nhiên thu nhập này không ổn định vì việc làm thêm thường là thời vụ. Ngoài ra nó cũng sẽ khiến bạn quá tải và phân tâm, việc công ty và việc làm thêm ảnh hưởng tới nhau. Kết quả là việc làm ở công ty không tốt, việc làm thêm cùng không xuất sắc.
Thu nhập của bạn có tăng nhưng sau một năm làm việc thu nhập vẫn vậy và bạn sẽ vô cùng mệt mỏi vì sự nhàn chán của cả công việc chính lẫn công việc làm thêm. Sếp bạn sẽ không đánh giá bạn cao để tăng lương và cho bạn cơ hội thăng tiến, công việc làm thêm cũng chỉ là tạm thời, không giúp bạn định hướng công việc tốt. Cuối cùng bạn sẽ mất phương hướng và bị tụt hậu.
Nếu phải làm thêm hãy coi đó là công việc tạm thời và kết thúc càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên có những việc làm thêm có thể tốt cho công việc của bạn, chẳng hạn dạy học về những kỹ năng mà bạn đang sử dụng cho công việc hằng ngày. Ví dụ bạn là sales, bạn dạy về bán hàng; bạn là lập trình viên, bạn dạy về ngôn ngữ PHP… Việc dạy học đòi hỏi bạn phải hiểu thấu đáo về vấn đề mà mình sẽ trình bày, giúp bạn phát triển chuyên môn và kỹ năng trình bày.
3, Chuyển qua công ty khác có mức lương cao hơn
Đây là cách đòi hỏi bạn phải có năng lực, chấp nhận mạo hiểm ở môi trường mới. Hãy áp dụng cách này khi công ty bạn đang làm có tình hình kinh doanh đi xuống, khi sếp không biết nhìn người, không nhận ra được giá trị của bạn.
Lợi ích của cách này là bạn có thu nhập mới, có môi trường làm việc mới và có thể có vị trí làm việc mới tốt hơn. Tuy nhiên cũng có rủi ro: công việc có thể không phù hợp; môi trường mới đòi hỏi bạn phải làm quen, phải phấn đầu từ đầu. Bên cạnh đó việc chuyển quá nhiều công ty sẽ làm CV của bạn không được đánh giá cao và cũng không thể lên vị trí cao trong công ty nếu bạn luôn nhảy việc.
4, Làm trong lĩnh vực khác
Sau một thời gian làm việc, bạn chợt nhận ra mình không hề có cảm tình, năng khiếu nào về công việc mà bạn đang làm. Và bạn phát hiện có một cơ hội mới với công việc mà bạn thích thú, một mức thu nhập hứa hẹn tốt hơn. Vậy thì hãy mạnh dạn mạo hiểm.
Lợi ích là bạn có thu nhập mới, môi trường làm việc mới. Song công việc mới đòi hỏi bạn phải học hỏi từ đầu, môi trường mới đòi hỏi bạn phải làm quen. Tệ hơn nữa là lĩnh vực mới cũng không phù hợp và bạn lại bắt đầu từ đầu khi tuổi đời bắt đầu cao.
Vì vậy, hãy chỉ chuyển sang lĩnh vực khác khi bạn thật sự thấy mình bay bổng, bứt phá trong môi trường mới.
Theo tuoi tre
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông