Kiến thức Đào tạo Sau khi bạn được thăng chức

Sau khi bạn được thăng chức

50
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamSau nhiều năm chứng tỏ khả năng chuyên môn và sự tận tụy của mình với công việc, bạn được thăng chức một cách xứng đáng. Thăng chức hẳn là một điều hay nhưng nếu bạn không có những quyết sách hợp lý, việc thăng chức thậm chí còn là gánh nặng. 
Còn gì đáng sợ hơn khi bỗng chốc bạn lặn ngụp giữa rất nhiều việc khác nhau ở cương vị mới: đảm bảo tiến độ công việc cho cả nhóm, đáp ứng những chỉ thị riêng của cấp trên, quan tâm đến từng nhân viên dưới quyền…
Có những điều bạn cần thực hiện nếu muốn giữ vững chức vụ hiện tại và vững vàng với những bước tiến sau này.
Thứ nhất, về nhận thức, bạn cần phải hiểu rằng mặt sau của việc thăng tiến là sự cô đơn. Bạn phải chịu trách nhiệm một cách độc lập hơn, sẽ có nhiều người đồng nghiệp cũ trước là bạn bè nay là cấp dưới của bạn. Dù thế nào, ứng xử giữa hai bên sẽ có phần xa cách. Hãy chấp nhận điều đó và làm chủ cảm xúc của mình để có thể cư xử đúng hoàn cảnh: trong công việc chung thì công minh, quan hệ thường ngày thân mật điềm tĩnh.
Thứ hai, nhìn mọi việc với góc nhìn rộng hơn. Mỗi người trong công ty đều có những vai trò khác nhau, làm lãnh đạo cần có tầm nhìn bao quát, nhìn nhận sự việc trong những mối quan hệ biến đổi. Ban đầu, bạn sẽ mất nhiều thời gian để làm chủ tình hình. Hãy suy nghĩ cân nhắc bất cứ lúc nào có thể. Tránh việc tập trung vào chuyên môn quá nhiều mà hết thời gian suy nghĩ đến việc điều hành chung, đây mới là nhiệm vụ chính ở cương vị mới.
Thứ ba, luôn đề cao tính mục đích. Hãy vì hiệu quả công việc chung trước tiên. Bạn hãy luôn đặt cho mình câu hỏi, bạn đang làm vì điều gì, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó tốt nhất, điều gì cản trở bạn? Khi là người đứng mũi chịu sao, điều tiếng đôi lúc không tránh khỏi, bạn đã chuẩn bị đối mặt với thách thức như thế nào. Những ai bạn cần nghe, những ai cần bỏ qua. Hãy xuất phát từ lợi ích chung để trả lời các câu hỏi đó.
Thứ tư, hãy quan tâm đến gia đình nhiều nhất có thể. Gia đình không phải là người đầu tiên hưởng lợi khi bạn ở vụ trí lãnh đạo nhưng lại là những người đầu tiên thiệt thòi khi bạn luôn vắng nhà. Đừng trút lên những người thân những khó khăn trong công việc, họ có thể không hiểu gì nhiều để bạn chia sẻ, ngược lại cả hai bên đều thấy căng thẳng. Hãy dành cho gia đình khoảng thời gian quan tâm nhất định, tránh tối đa việc mang công việc về nhà.
Thứ năm, tìm đúng người. Yếu tố quyết định thành công của nhà lãnh đạo chính là thuật dùng người. Chọn người theo nguyên tắc đúng sở trường kèm theo đam mê, có như thế mới đảm bảo thành công cuối cùng của công việc. Khi đã chọn được rồi nên đặt niềm tin vào họ, đúng theo phương châm “đã dùng thì tin, không tin không dùng”. Nếu mỗi lần bạn được sếp khen mà đã thấy hài lòng luôn là chưa đủ, hãy làm sao để cả nhóm của bạn đều hoàn thành tốt công việc của mình. Đó mới là lời khen thực sự dành cho nhà lãnh đạo.
Thứ sáu, quan tâm đến cảm xúc. Điều này khác với làm việc theo cảm tính hay thiếu kiềm chế cảm xúc. Cần nhìn nhận, công sở không phải là nơi tập hợp những cái máy làm việc. Hãy tôn trọng và tạo điều kiện tối đa cho những cá tính sáng tạo của mỗi nhân viên đồng thời cũng cần tìm hiểu những thói quen của cấp trên. Việc đón ý mỗi người để công việc tiến triển thuận lợi là lối quản lý linh hoạt phù hợp với các công sở phương Đông.
Thứ bảy, không kết luận cực đoan. Quan niệm cũ cho rằng người lãnh đạo luôn cần có phán xét đúng sai rõ ràng thì mới tạo được niềm tin nơi cấp dưới. Nhưng đến ngày nay, quan niệm đó đã thay đổi. Lãnh đạo không phải là người quyết định mà là người gợi mở, định hướng và giải quyết khó khăn. Người lãnh đạo phải học cách lắng nghe nhiều hơn, trở thành cầu nối giữa công việc và nhân viên, giữa cấp trên và cấp dưới. Phản ứng linh hoạt trước mỗi tình huống là bí quyết không thể thiếu để đi tới thành công.

Theo Lãnh Đạo (Nguồn Job-sky)

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không