Kiến thức Đãi ngộ Những điều có thể khiến bạn bị sa thải

Những điều có thể khiến bạn bị sa thải

7
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamBị sa thải luôn là nỗi ám ảnh với những người đi làm, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn, hàng loạt công ty đưa ra chính sách cắt giảm nhân sự, giảm thiểu chi phí.
Thông thường, người lao động vẫn cho rằng, bị sa thải chỉ là do yếu tố khách quan tác động, bản thân không thể thay đổi. Nhưng trên thực tế, nhiều khi, bạn lại tự đẩy mình vào tình thế phải ra đi chứ không phải ai khác.
Sau đây là những điều bạn nên tránh, nếu không muốn trở thành kẻ thất nghiệp:
Làm việc kém hiệu quả
Bất kể là công ty hoạt động trong lĩnh vực gì, một khi thuê bạn, người ta đều muốn bạn đem đến lợi nhuận cho họ. Vì thế, khi bạn làm việc không hiệu quả, chỉ biết tiêu tiền của công ty mà chẳng tạo ra khoản thu nào, có thể là bạn đang nỗ lực nhưng điều đó chẳng có tác dụng gì. Người sử dụng lao động chỉ nhìn vào những gì bạn mang lại cho họ, và nếu không có, việc sa thải bạn chỉ là vấn đề thời gian.
Không chịu học hỏi cái mới
Dù bạn vẫn tạo ra hiệu quả cho công ty nhưng nếu không tiếp thu cái mới, sự trì trệ sẽ khiến bạn bị tụt hậu và lâu dần, khả năng, sự cống hiến của bạn sẽ kém đi. Có thể kiến thức của bạn rất khá nhưng việc tự nhận mình là người “biết tuốt” sẽ khiến cho sự nghiệp của bạn gặp trắc trở vì nó cho thấy bạn không thích học hỏi những ý tưởng và phương pháp làm việc mới.
Đặc biệt, chẳng có vị sếp nào muốn có những ứng viên bảo thủ, không chịu học hỏi cái mới mà cứ nằng nặc tư duy và làm việc theo lối mòn. Bởi vậy, bạn hãy chịu khó học hỏi, tiếp nhận cái mới để hoàn thiện bản thân hơn. Ít nhất, điều đó cũng khiến sếp hài lòng hơn một chút.
Tự mãn về bản thân
Có thể bạn thành đạt và được nhiều người kính trọng, thế nhưng, một lúc nào đó, trên con đường xây dựng sự nghiệp, bạn sẽ gặp phải khó khăn. Lúc đó, bạn sẽ cần đến sự tư vấn, giúp đỡ của mọi người xung quanh. Bởi vậy, bạn nên hiểu rằng, đừng bao giờ tự thỏa mãn với mình, xem mình là người hoàn hảo và thể hiện như một ngôi sao nơi công sở.
Hiện nay, hàng triệu người tìm việc mỗi ngày và chắc chắn, trong số đó sẽ có những người làm tốt công việc của bạn. Nếu cứ tự mãn và nghĩ mình là nhất, sớm muộn gì bạn cũng phải khăn gói ra đi.
Tranh công, đổ lỗi
Nhận sự giúp đỡ của đồng nghiệp nhưng khi thành công, bạn tuyệt nhiên không nhắc gì đến họ mà vơ hết công trạng về mình. Thế nhưng, bạn lại thường xuyên đẩy lỗi cho người khác nếu công việc chẳng may gặp trục trặc. Nên nhớ, các vị sếp đa phần đều rất tinh tường khi xét đoán mọi việc, và cách xử sự đó của bạn chỉ là “vải thưa che mắt thánh” mà thôi.
Nếu bạn biết ghi nhận công lao của người khác, thẳng thắn nhận lỗi thì đồng nghiệp và cấp trên sẽ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của bạn. Đồng nghiệp cũng sẽ trân trọng những gì bạn đưa đến cho họ và sẵn sàng hợp tác với bạn lần sau.
Thích những người nịnh bợ
Chắc hẳn bạn đã nghe câu: “Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai”, nếu bạn kết giao với kẻ nịnh bợ, nhiều khả năng bạn cũng thuộc tuýp người thích được kẻ khác khen ngợi, tâng công. Sếp sẽ nhanh chóng tìm người thay thế bạn bởi doanh nghiệp của họ cần những người sáng tạo, tài năng chứ không phải chỉ biết nói hay.

Theo ICT News

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không