Kiến thức Tài chính kế toán Tăng cường kiểm toán trong khai thác tài nguyên khoáng sản

Tăng cường kiểm toán trong khai thác tài nguyên khoáng sản

266
Nên chăng trước hết cần phải lựa chọn đối tượng kiểm toán bằng việc lựa chọn là các “điểm nóng” về khai thác, chế biến khoáng sản, chuyển giao quyền khai thác khoáng sản không đúng quy định của pháp luật.
Sự buông lỏng quản lý đã khiến lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) tạo dư địa lớn cho tham nhũng, tài nguyên thất thoát, ngân sách thất thu, môi trường bị hủy hoại, tệ nạn xã hội gia tăng, khai thác lậu, buôn lậu khoáng sản vẫn hoành hành và trở thành vấn đề nhức nhối.
Những sai phạm trong khai thác TNKS nảy sinh ngay từ kẽ hở của cơ chế và hành vi vi phạm được thực hiện ngay từ cơ quan Nhà nước – khi cấp phép vượt quá quy định, cấp phép sai thẩm quyền… đến DN với các hành vi, làm sai giấy phép, không nộp các khoản thuế, phí theo quy định, cố tình gian lận… thậm chí cả người dân trong vùng cũng vi phạm.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đang xảy ra ở nhiều địa phương. Ảnh minh họa
Kiểm toán Nhà nước đã quyết định sẽ kiểm toán chuyên đề về khai thác và chế biến TNKS. GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó tổng kiểm toán Nhà nước cho biết 4 mục tiêu chính của kiểm toán về công tác quản lý, khai thác, chế biến TNKS: Phát hiện những hạn chế, bất hợp lý của cơ chế, chính sách và những hành vi, sai phạm tham nhũng tại các cơ quan quản lý và DN; Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; Kiến nghị biện pháp khắc phục và xử lý vi phạm; Cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội giám sát và Chính phủ các cơ quan Chính phủ quản lý, cấp phép và khai thác TNKS…
Ngày 24/4/2012, Tổng kiểm toán Nhà nước đã có quyết định số 719/QĐ-KTNN ban hành đề cương, hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán chuyên đề về khai thác TNKS. Một cuộc hội thảo quốc tế về kiểm toán lĩnh vực này vừa được tổ chức.
Tuy nhiên với sự phức tạp của những vi phạm trong lĩnh vực này đã khiến việc kiểm toán chưa tiến hành đã thấy khả năng “không kiểm được hết”. Đại tá, PGS, TS. Hoàng Văn Trực – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) đã chỉ ra 3 dạng DN liên quan đến hoạt động khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản: DN được cấp phép khai thác nhưng không đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản mà tìm cách bán quặng thô để thu lợi nhuận; DN mua khoáng sản từ các DN được cấp giấy phép khai thác để xuất lậu sang Trung Quốc, DN ngành vận tải, trực tiếp xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc. Bên cạnh đó là kiểu người dân khai thác lậu.
Với cả “một nghìn lẻ một” kiểu gian lận như hiện nay, những lo lắng cho hiệu quả của kiểm toán là không quá cực đoan.
Băn khoăn đầu tiên là đối tượng kiểm toán chuyên đề khai thác TNKS có cả DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN ngoài quốc doanh có hoạt động khai thác khoáng sản do tỉnh quản lý. Ông Vũ Văn Thắng – Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), băn khoăn: Theo Luật kiểm toán “Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước”. Như vậy, việc chọn đối tượng kiểm toán còn chưa phù hợp.
Băn khoăn thứ hai, hiện nay, có nhiều bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, số DN tham gia khai thác lên đến gần 2.000 vào thời điểm hiện tại với đủ cả DNNN, DN tư nhân, công ty TNHH, cổ phần, DN có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã… Như vậy số lượng đơn vị cần kiểm toán rất lớn trong khi lực lượng kiểm toán viên có hạn.
Bên cạnh đó, kiểm toán hoạt động khoáng sản liên quan đến nhiều lĩnh vực: Địa chất khoáng sản, đất đai, môi trường, thuế, phí và lệ phí, xuất nhập khẩu, an ninh quốc phòng… có đến hàng nghìn văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động này.
Nên chăng trước hết cần phải lựa chọn đối tượng kiểm toán bằng việc lựa chọn là các “điểm nóng” về khai thác, chế biến khoáng sản, chuyển giao quyền khai thác khoáng sản không đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, nếu chỉ có kiểm toán để phát hiện ra sai phạm mà thiếu chế tài xử lý, những kiến nghị của kiểm toán không đủ quy trách nhiệm thì e rằng việc kiểm toán không hiệu quả như mong muốn.

Theo Thoibaonganhang

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không