Kiến thức Những thay đổi về bảo hiểm y tế năm 2020 mà kế...

Những thay đổi về bảo hiểm y tế năm 2020 mà kế toán doanh nghiệp phải biết

4829
bảo hiểm xã hội

Năm 2020, có rất nhiều thay đổi về chính sách bảo hiểm y tế. Dưới đây là những thay đổi và chính sách mới về bảo hiểm y tế 2020 mà kế toán doanh nghiệp cần biết.

1. Về mức hưởng BHYT

Một trong những thông tin quan trọng trong các chính sách thay đổi của BHYT là mức hưởng BHYT năm 2020. Đối với bảo hiểm đúng tuyến:

– 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới sáu tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở…

– 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

– 80% chi phí khám, chữa bệnh nếu là đối tượng khác.

Mức hưởng BHYT trái tuyến: Theo khoản 3 Điều 22 của luật này, khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán:

– 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.

– 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31-12-2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh.

– 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.

2. Mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT tăng

Theo Nghị quyết 86/2019/QH14, lương cơ sở từ ngày 1-7-2020 tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như trước đó. Do vậy mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT cũng tăng tương ứng. Cụ thể:

– Khám, chữa bệnh tại tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:

Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.

Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.

– Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.

– Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 3,725 triệu đồng lên 4 triệu đồng.

– Khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định:

Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.

Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.

bảo hiểm xã hội

3. Thay đổi mức đóng BHYT hộ gia đình

Do trong năm 2020, mức lương cơ sở tăng lên 1.6 triệu đồng/tháng, áp dụng từ 01/07/2020. Đồng thời, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 4.5 % lương cơ sở.

Đối với người thứ hai, ba, tư trở đi, mức đóng lần lượt tính bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người đầu tiên. Riêng từ người thứ năm trở đi, mức đóng BHYT bằng 40% mức của người đầu tiên.

Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế 2020 của từng người trong hộ gia đình khi lương cơ sở tăng lên 1.6 triệu đồng như sau:

– Người thứ nhất: Mức đóng = 4.5% x 1.6 triệu = 72.000 đồng/tháng (tăng 4.950 đồng so với mức 67.050 của trước đây).

– Người thứ hai: Mức đóng = 70% x 72.000 = 50.400 đồng/tháng (tăng 3.465 đồng/tháng).

– Người thứ ba: Mức đóng = 60% x 72.000 = 43.200 đồng/tháng (tăng 2.970 đồng/tháng).

– Người thứ tư: Mức đóng = 50% x 72.000 = 36.000 đồng/tháng (tăng 2.475 đồng/tháng).

– Từ người thứ năm trở đi, mức đóng = 40% x 72.000 = 28.800 đồng /tháng (tăng 1.980 đồng/tháng).

4. Thay đổi về điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục năm 2020

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, điều kiện hưởng Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục là:

Người tham gia phải có thời gian đóng BHYT từ 5 năm trở lên. Tức là trên thẻ BHYT phải có ghi dòng chữ “Thời điểm đủ 5 năm liên tục: Từ…/…/…”.

Nếu có thời gian tham gia gián đoạn thì không được quá 3 tháng.

Có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Cụ thể, nếu thời điểm khám chữa bệnh từ ngày 01/01/2020 đến trước 01/07/2020 (lương cơ sở là 1.49 triệu đồng) thì số tiền chi trả phải lớn hơn: 6×1.49 triệu đồng = 8.94 triệu đồng.

Từ thời điểm 01/07/2020 lương cơ sở tăng lên 1.6 triệu đồng thì số tiền chi trả phải lớn hơn 6×1.6 triệu đồng = 9.6 triệu đồng.

5. Thẻ BHYT giấy được thay thế bằng thẻ BHYT điện tử

Thẻ BHYT được cấp cho người tham gia để làm căn cứ và điều kiện hưởng quyền lợi khi khám, chữa bệnh. Trước đây, việc sử dụng thẻ BHYT bằng giấy tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập liên quan đến việc rách, hỏng, mờ thông tin trên thẻ,… gây khó khăn khi làm thủ tục hưởng quyền lợi.

Vì vậy năm 2020, Cơ quan BHXH sẽ thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia. Đây là loại thẻ được làm bằng chất liệu nhựa, tương tự như thẻ ATM của các ngân hàng. Tuy nhiên, thẻ BHYT điện tử sẽ được gắn chip điện tử để tích hợp các thông tin của người tham gia BHYT.

Toàn bộ các thông tin cá nhân, quá trình tham gia của người đóng BHYT sẽ được lưu trữ trên thẻ, thuận tiện cho quá trình hưởng các quyền lợi khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đồng thời, thẻ BHYT điện tử còn có tính năng xác nhận người bệnh thông qua công nghệ sinh trắc để nhận diện nhanh chóng, thuận tiện.

Nhờ những tính năng của thẻ bảo hiểm y tế 2020 bằng điện tử, người bệnh không cần mang theo nhiều giấy tờ tùy thân. Mặt khác, các khâu kiểm định, thanh toán, quản lý thông tin của người tham gia cũng được cơ quan BHXH quản lý dễ dàng hơn trước đây.

| Đọc thêm: Cách xác định doanh thu nộp lệ phí môn bài mới nhất 2020

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không