Những vấn đề liên quan đến nợ xấu, mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp cho thấy cần có cơ chế giải quyết phá sản hiệu quả. Bởi, sau gần 10 năm áp dụng Luật Phá sản đã bộc lộ quá nhiều bất cập.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng quy định doanh nghiệp FDI phải đăng ký lại nên nhiều “doanh nghiệp đang sống phải chết” và muốn mở rộng đầu tư lại vướng mắc.
Sợ thủ tục, tự tìm cách “chết”
Theo số liệu năm 2011 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), doanh nghiệp thực tế hoạt động chỉ 457.000 trong tổng số 623.700 doanh nghiệp đã đăng ký, thành lập. Như vậy, có đến hơn 1/4 doanh nghiệp đăng ký hoạt động không rõ về tình trạng pháp lý, có tồn tại hay không.
Hay theo báo cáo của 12/52 tòa án nhân dân cấp tỉnh, kể từ khi áp dụng Luật Phá sản năm 2004 đến nay tòa không thụ lý yêu cầu phá sản doanh nghiệp và kiến nghị sửa đổi 57/95 điều khoản của luật.
Theo đại diện Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Luật Phá sản năm 2004 không đi vào cuộc sống là doanh nghiệp và chủ nợ không có động lực để mở thủ tục phá sản theo quy định.
Nếu chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ tốn kém chi phí, thời gian nhưng có khi không đạt được mục đích thu hồi. Còn doanh nghiệp nếu thực hiện thủ tục phá sản, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều so với “lẳng lặng chết”.
Theo ông Tom Nguyễn, Trưởng bộ phận pháp chế phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào của Ngân hàng Standard Chartered, những bất cập của Luật Phá sản còn thể hiện ở những quy định gây phiền hà, thiếu thực tế, nhất là yêu cầu hội nghị chủ nợ phải có mặt hơn 50% tổng số chủ nợ; một tỷ lệ cao phi lý, gây đình trệ hay trì hoãn quá trình giải cứu, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Còn theo ông Phil Smith, Giám đốc bộ phận cơ cấu KPMG (mạng lưới toàn cầu chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn), với thực trạng các ngân hàng Việt Nam hiện nay và vấn đề nợ xấu, Luật Phá sản phải nâng cao hiệu quả trong việc giúp ngân hàng giải quyết nợ xấu. Các cơ chế loại bỏ nợ xấu khỏi hệ thống ngân hàng cũng phải tối đa hóa được giá trị của các tài sản liên quan, tức là bản thân các khoản nợ.
Cơ chế phải khuyến khích doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động, vì vai trò chính của cơ chế giải quyết trường hợp mất khả năng thanh toán là tái phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế.
Có thể thực hiện giải pháp này bằng cách bán tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cho những đơn vị có khả năng sử dụng những tài sản đó hiệu quả hơn, cho phép các chủ nợ tài chính thu hồi giá trị khoản nợ để tiếp tục tái cấp vốn trong hệ thống.
Khó doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Theo Bộ KH-ĐT, đến ngày 31-5-2013, có 2.916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp FDI được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Trong đó có 41 doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động từ ngày 31-5-2013, số còn lại chưa hết thời hạn hoạt động nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Nếu thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, trong năm 2014 và 2015, số lượng doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31-12-2014 là 142 và đến 31-12-2015 là 269 doanh nghiệp).
Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp nêu trên 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Phần lớn doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại do một số doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động và phương thức quản lý đã tồn tại, ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không lường trước được việc không được phép gia hạn hoạt động, hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh nếu không đăng ký lại trong thời hạn quy định.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp không đạt được nhất trí giữa các bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lại vì theo điều lệ doanh nghiệp, việc gia hạn hoặc tổ chức lại doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí, phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài trước đây. Do đó, việc không thực hiện thủ tục đăng ký lại của doanh nghiệp FDI đã làm phát sinh nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước.
Trước năm 2003, giấy phép đầu tư quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp FDI phổ biến 20 năm, phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài tại thời điểm đó. Sau khi kết thúc thời hạn nêu trên, một số doanh nghiệp FDI nhận thấy thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng nên muốn tiếp tục đầu tư.
Tuy nhiên, do không lựa chọn thực hiện thủ tục đăng ký lại trong thời hạn quy định, các doanh nghiệp này đang phải xem xét chấm dứt hoạt động. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải xem xét, duy trì hoạt động các doanh nghiệp trên nhằm tạo môi trường ổn định cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm hàng vạn lao động.
Gấp rút gỡ vướng
Theo VCCI, để khắc phục những bất cập hiện thời của Luật Phá sản, điều quan trọng là rút gọn, đơn giản hóa thủ tục. Trong thực tế, để tiến hành xong thủ tục phá sản phải mất nhiều năm. Việc kéo dài thời gian giải quyết khiến chủ nợ và con nợ mệt mỏi và khả năng thu hồi nợ với giá trị lớn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do khiến chủ nợ và con nợ không muốn sử dụng thủ tục phá sản.
Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 85, 86, khi nào thu hồi hết nợ và thanh lý bán hết tài sản doanh nghiệp và phương án phân chia tài sản đã thực hiện xong, tòa án mới ra được quyết định thanh lý tài sản và tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.
Nhưng trong thực tế, tài sản doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không thể bán hết được và cũng không thể thu hồi hết nợ, nên chưa thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản được.
Để khắc phục, luật cần sửa theo hướng sau khi bán hết tài sản, dù còn một số tiền nợ chưa thu được từ con nợ của doanh nghiệp bị yêu cầu phá sản, tòa án vẫn ra quyết định tuyên bố phá sản, trong đó ghi rõ số nợ phải thu còn lại theo quyết định thu hồi nợ của tòa án. Cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện thu hồi nợ theo quyết định tuyên bố phá sản, phân chia cho chủ nợ theo tỷ lệ tại quyết định phân chia tài sản ban đầu.
Chính phủ đã có tờ trình đề nghị sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp FDI, cho phép họ được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp.
Nội dung sửa đổi này nhằm đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh; cho phép doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp.
Thẩm tra dự án luật này, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Điều 170 Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn có ý kiến đề nghị làm rõ bao nhiêu doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư đề nghị được cho đăng ký lại; bao nhiêu doanh nghiệp chưa hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được bổ sung, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, cần quy định rõ trường hợp ưu đãi đầu tư doanh nghiệp đang được hưởng cao hơn so với việc áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đó đến hết hiệu lực của giấy phép đầu tư…
Cũng có ý kiến cho rằng trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng… cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các tranh chấp pháp lý phát sinh.
Theo Sài Gòn Đầu tư tài chính
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông