Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch số 80/2013/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020.
Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với rừng phòng hộ, rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước; thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; kinh phí hoạt động của các Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.
Kinh phí khoán bảo vệ rừng rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011- 2020 và các văn bản hướng dẫn.
Thông tư nêu rõ: Mức khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thực hiện theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó mức khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên bình quân là 200.000 đồng/ha/năm.
Mức khoán cụ thể do bộ, ngành (đối với diện tích rừng thuộc các bộ, ngành quản lý) hoặc UBND cấp tỉnh (đối với diện tích rừng thuộc địa phương quản lý) quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế và phải được công bố công khai hàng năm về mức khoán, diện tích khoán để bên nhận khoán biết.
Ngoài mức khoán chung theo quy định như trên, tùy theo điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định hỗ trợ thêm kinh phí cho khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Nguồn kinh phí do Ngân sách trung ương đảm bảo. Ngân sách địa phương bảo đảm đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thuộc địa phương quản lý.
Mức chi đối với lĩnh vực thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương chi cho các nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Ngân sách địa phương chi cho các nhiệm vụ do địa phương thực hiện.
Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 thực hiện theo các quy của Bộ Tài chính.
Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho các địa phương để thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, hàng năm UBND cấp tỉnh lập dự toán phần kinh phí đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ theo hướng dẫn tại thông tư này gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương cùng thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính. Căn cứ khả năng của ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét mức bổ sung hỗ trợ có mục tiêu ngân sách địa phương; tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20-7-2013 và áp dụng từ năm dự toán ngân sách 2013.
Theo baohaiquan
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông