Kiến thức Đãi ngộ Khi sếp dùng “chiêu bẩn” đuổi khéo nhân viên để giảm chi...

Khi sếp dùng “chiêu bẩn” đuổi khéo nhân viên để giảm chi phí

4
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamCắt lương, giảm thưởng, đưa quy định tréo ngoe… là cách nhiều doanh nghiệp áp dụng để đuổi khéo nhân viên, nhằm cắt giảm chi phí, đồng thời không cần bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đầu quân cho một công ty luật chuyên thụ lý các vụ án đòi nợ từ tháng 3/2013 tại Hà Đông, Hà Nội, anh Trường cho biết, trừ hai tháng đầu thử việc được nhận lương đầy đủ với mức 80%, kể từ khi ký hợp đồng chính thức, anh đã bị công ty nợ đến 4 tháng lương. Hiểu môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn, khách hàng thiếu tiền mặt nên không thể trả nợ đầy đủ khiến doanh số của văn phòng ngày càng đi xuống, nhiều nhân viên vẫn muốn gắn bó giúp công ty, dù nợ lương cũng thành chuyện đã quen.
“Cho đến một hôm, tất cả các nhân viên đều được mời họp và nghe ‘bật mí’ rằng, công ty đang ngập trong nợ, đến tiền điện thoại, internet cũng chưa trả. Trước tình hình như vậy, hàng loạt người buộc phải chủ động xin nghỉ, còn hơn ở lại chờ đợi mà không thể nhận được lương. Công ty nhờ đó cắt giảm nhân sự nhanh chóng, lại không phải mất tiền thanh lý hợp đồng”.
Số lương còn nợ, theo anh Trường, công ty không hề đả động tới việc hỗ trợ một phần cho nhân viên. Ngoài lời hứa “khi nào có sẽ liên lạc để trả đủ”, hầu như không có cam kết nào khác. “Nhân viên sau nửa năm gồng gánh cùng khó khăn với công ty buộc phải ra đi như là ‘của nợ’ trong hoàn cảnh không tiền lương, không thưởng lễ tết, tiền bảo hiểm cũng nợ”, anh Trường than thở.
Ở một trường hợp khác, chị Khanh, nhân viên kinh doanh cho một công ty tài chính ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, yêu cầu công việc vốn thường xuyên phải ra ngoài tìm kiếm, gặp gỡ khách hàng, nhưng không hiểu sao hơn một tháng trở lại đây, công ty bất ngờ ra quy định gây khó cho nhân viên. Hễ ra ngoài văn phòng, dù chỉ 5 phút, nhân viên phải đăng ký với lễ tân; phải thông báo giờ về dự kiến, nếu không phải ngồi lại văn phòng đủ giờ hành chính. Yêu cầu khó “nhằn”, mức áp doanh số lại tăng theo tháng khiến chị Khanh và nhiều nhân viên khác không thể xoay sở công việc, và buộc phải đồng ý nghỉ theo chế độ “chấm dứt hợp đồng đơn phương”, đồng thời nộp phạt một tháng lương cho công ty cũ để được thanh lý hợp đồng nhanh chóng.
Có việc thì bị nợ lương, cắt thưởng, trong khi tìm việc mới lại không phải là điều dễ dàng trong hoàn cảnh kinh doanh ảm đạm hiện nay. Ứng tuyển vào một ví trí kế toán tổng hợp tại một doanh nghiệp logistic tại TP.HCM, chị Huyền, với hơn 8 năm kinh nghiệm làm việc cho hai tập đoàn nước ngoài, tự tin vào khả năng của mình. Thế nhưng, chị không khỏi ngạc nhiên khi biết mình đã bị loại với lý do: tất cả các ứng viên nữ đều không qua được vòng hồ sơ.
“Trong thông báo tuyển dụng, doanh nghiệp có nêu việc ưu tiên cho ứng viên nam. Thế nhưng, việc loại tất cả các hồ sơ nữ cho thấy doanh nghiệp không chỉ ưu tiên nam giới, mà thực chất là chỉ tuyển nam. Nếu công ty nào cũng thế này thì phụ nữ thất nghiệp hết?”.
Không được qua vòng sơ loại vị trí phù hợp, nhưng chị Huyền lại ngay lập tức nhận được lời mời của chính doanh nghiệp này để trở thành cộng tác viên cho mảng kinh doanh, với lời khẳng định: ứng viên không cần nộp thêm hồ sơ, chỉ cần đến công ty ký nhận là sẽ được trở thành cộng tác viên kinh doanh.
“Lương cứng không có, trong khi mức chia lời được doanh nghiệp hứa trả thậm chí còn cao hơn thu nhập tại một vị trí quản lý bậc trung của doanh nghiệp, nhưng sẽ không được bất cứ chế độ nào. Điều lạ là những ứng viên nam dù chưa biết kết quả lọc hồ sơ thì cũng được công ty gửi lời mời tương tự. Như vậy, không biết doanh nghiệp này đang tuyển kế toán hay cộng tác viên kinh doanh nữa”.
Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động tại TP.HCM, nhóm ngành kế toán, kiểm toán chiếm tới một nửa lượng cung nhân lực của toàn địa bàn trong tháng 7, nhưng nhu cầu tuyển dụng của nhóm này lại chiếm chưa đầy 5%. Đây là ngành có tình trạng mất cung cầu lao động nhất tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, khiến cuộc đua cho một vị trí tuyển dụng càng thêm khốc liệt.
Trong khi đó, theo thống kê vào tháng 7/2013 tại địa bàn Hà Nội, chỉ có 20 nhu cầu tuyển dụng cho vị trí nhân viên văn phòng luật, không kể cộng tác viên và học việc. Một số văn phòng cho phép nhận sinh viên tốt nghiệp đã có 1-2 năm kinh nghiệm vào làm việc, nhưng không lương, không hỗ trợ chế độ và phải nộp chi phí đầu vào từ 3-7 triệu đồng.

Theo AF

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không