Nội dung nổi bật:
– Xu hướng phát triển trên Facebook tại Việt Nam: công nghiệp y tế đang phát triển mạnh nhất, lĩnh vực được đầu tư mạnh nhất là thương mại điện tử và du lịch.
– Nhiều doanh nghiệp lựa chọn quảng cáo bằng Facebook vì: 19 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook để kết nối.
– Muốn khai thác thành công doanh nghiệp nên sử dụng thường xuyên tính năng tương tác như cập nhật thông tin lên tường (wall), ứng dụng Feed tin tức, xây dựng trang hâm mộ (fanpage), phát triển “like” tuy nhiên DN cần hướng đến khách hàng mục tiêu, tránh tăng thành viên ảo bằng mọi cách.
Tại Việt Nam, việc sử dụng Facebook để quảng bá cho mẫu xe Fiesta của Ford Việt Nam vẫn luôn được giới marketing chia sẻ. Năm 2011, khi đưa mẫu xe này ra thị trường, Ford Việt Nam đã tổ chức một đợt truyền thông trên Facebook với tên gọi “Fiesta Hunt” với mục tiêu là phải tạo ra một chương trình truyền thông mạng xã hội để, tạo tính tò mò, sức ảnh hưởng và tính truyền miệng trước khi xe Fiest chính thức ra mắt.
Vậy nhưng, chỉ sau 3 tháng phát động, “Fiesta Hunt” đã thu hút hơn 13.100 người liên kết với trang Facebook, 80.615 lượt xem với hơn 38.000 lượt bình chọn. Chủ đề của cuộc thi không chỉ được thảo luận sôi nổi trên Facebook, mà còn lan truyền trong cộng đồng các diễn đàn liên quan và nhiều kênh thông tin khác.
Tiếp nối thành công của “Fiesta Hunt”, năm 2012, Ford Việt Nam lại “nhờ” Facebook quảng bá cho chiếc Rangger, Focus và cũng đã gặt hái thành công. Hiện tại, công ty mẹ của Ford Việt Nam (Tập đoàn Ford Motor) vẫn đang tiếp tục chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội cho mẫu xe Fiseta mới sẽ được giới thiệu trong đầu năm 2014. Và dĩ nhiên, mạng xã hội Facebook vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên.
Không riêng gì Ford Việt Nam, cuối năm 2012, Co.opmart – một thương hiệu bán lẻ của Việt Nam cũng chọn Facebook để quảng bá hoạt động của mình.
Co.opmart cũng tổ chức những hoạt động cho cộng đồng như cuộc thi video clip và ảnh, các trò chơi… Chỉ 3 tuần đầu khai trương, Facebook Co.opmart đã cán mức 10.000 thành viên, tỷ lệ người quan tâm đến các bài viết lên tới 118% Fangape (tỷ lệ trung bình của một Fanpage hiệu quả là 10%).
Sau hơn 8 tháng ra đời, fanpage Co.opmart đã trở thành cộng đồng của hơn 70.000 fan. Sức mạnh lan toả của Facebook Co.opmart đã buột lãnh đạo Saigon Co.op (thương hiệu mẹ của Co.opmart) nghĩ đến việc mở rộng sang các lĩnh vực truyền thông trực tuyến khác như Youtube, Flickr, mạng xã hội Zingme, Twitter…
Không dừng lại ở một vài thương hiệu, Facebook đã và đang mang lại những khách hàng trung thành cho các doanh nghiệp (DN). Ngay từ năm 2011, trong bảng tổng sắp Fanpage lớn ở Việt Nam, nhiều thương hiệu đã có số lượng fan khổng lồ.
Trong đó, nhiều nhất là LanguageLink với 109.000 fan, Linksys với 36.000 fan, HTC Việt Nam có 28.000 fan, Converse Việt Nam có 26.000 fan, KFC Việt Nam 22.000 fan, Dell Việt Nam 14.000 fan…
Theo Socialbakers & SocialTimes.Me -2013, đến tháng 8/2013, tại Việt Nam đã có 19,6 triệu người dùng Facebook, chiếm 21,42% dân số và chiếm tới 71,4% người sử dụng internet.
Xu hướng phát triển trên Facebook tại Việt Nam cho thấy, công nghiệp y tế đang phát triển mạnh nhất (với các thương hiệu như FV Hospital, Victoria Healthcare Việt Nam); lĩnh vực được đầu tư mạnh nhất là thương mại điện tử và du lịch (Lazada, Nhommua.com, HotDeal)…
Thành công của các DN thông qua Facebook cũng là điều dễ hiểu. Theo Google, Facebook là trang thứ hai, sau Google được truy cập nhiều nhất trên thế giới với hơn 1 tỷ người.
Còn theo thống kê của trang Socialbakers.com, Việt Nam đứng thứ 27 thế giới về lượng người dùng Facebook với tốc độc gia tăng 8,03%/tháng và vẫn là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng người dùng Facebook cao nhất châu Á.
Hiện tại, đã có 19 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook để kết nối. Facebook cũng là phương án đầu tiên được các nhà marketing lựa chọn làm quảng cáo trên mạng xã hội.
Ông Trương Văn Quý, Giám đốc Công ty EQVN, cho rằng, với sự phát triển chóng mặt về lượng truy cập, số lượng thành viên, khả năng lan truyền và kết nối, Facebook hỗ trợ hiệu quả cho DN trong việc tìm kiếm khách hàng, cũng như xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng trung thành.
Tuy nhiên, muốn khai thác thành công, các DN phải biết tận dụng những công cụ của trang xã hội này. Trong đó, nên sử dụng thường xuyên tính năng tương tác như cập nhật thông tin lên tường (wall), ứng dụng Feed tin tức, xây dựng trang hâm mộ (fanpage), phát triển “like”, tạo sự kiện online… để trang Facebook luôn thu hút và truyền được thông điệp đến các fan của mình.
Bên cạnh đó, phải biết khai thác các công cụ tối ưu như Insights Tools, Edgerank… và tiếp cận người dùng thiết bị di động đang tăng cao tại Việt Nam.
Cũng theo ông Quý, để tìm kiếm khách hàng trên Facebook, DN còn phải tạo những đợt quảng cáo để tăng fan, nhắm đối tượng mục tiêu chính xác cho từng thông điệp phù hợp và kiểm tra báo cáo hằng ngày.
Điều quan trọng là phải xây dựng quan hệ với fan vì họ có thể trở thành khách hàng tương lai. Và chính những chia sẻ về sự ưa thích, tương tác của fan sẽ làm tăng sự ủng hộ của cộng đồng.
Dù có nhiều phương tiện và công cụ để tăng số lượng khách hàng trung thành nhưng ông Huỳnh Kim Tước, đại diện của Facebook tại Việt Nam khuyến cáo: DN cần hướng đến khách hàng mục tiêu, tránh sử dụng “Fake Facebook Likes” để tăng lượng thành viên ảo bằng mọi cách.
“Điều này sẽ làm mất tính hiệu quả của tiếp thị, tổn thương đến niềm tin của cộng đồng về thương hiệu, nhấn chìm những nỗ lực của DN trong việc thiết lập kênh truyền thông để kết nối, chăm sóc và tạo dựng cộng đồng trung thành và ủng hộ thương hiệu”, ông Tước khuyên.
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông