Là một nhà quản trị doanh nghiệp, bạn phải lường trước được mọi rủi ro có thể xảy ra đối với công ty của mình, trong đó có việc khách hàng lớn nhất bỏ đi. Trong nhiều lý do khác nhau khiến bạn bị mất khách hàng quan trọng, có một vài điều có thể dự báo trước. Điều quan trọng là khi xảy ra trường hợp không mong muốn đó, bạn nên ứng phó như thế nào?
Đừng để tất cả trứng trong cùng một giỏ
Một trong những sai lầm đáng tiếc nhất chính là để một khách hàng trở nên đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp vì càng ngày, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp sẽ hoàn toàn bị lệ thuộc vào khách hàng đó.
Câu ngạn ngữ “Không để tất cả trứng trong một giỏ” chính là nguyên tắc mà bạn nên ghi nhớ và làm theo. Bên cạnh việc tích cực duy trì và phát triển mối quan hệ kinh doanh với khách hàng lớn, bạn vẫn phải ưu tiên xây dựng và vun đắp những mối quan hệ với nhiều khách hàng khác để đề phòng trường hợp khách hàng ấy bỏ đi thì bạn vẫn còn “đất dụng võ”, tức là doanh số và lợi nhuận có thể bị giảm, nhưng không làm cho doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng suy sụp.
Giữ gương mặt lạnh
Cố gắng duy trì một gương mặt không cảm xúc khi bạn nghe được tin khách hàng lớn đã bỏ đi. Cùng gương mặt bình thản, tự tin, bạn cần có sức mạnh ý chí để nhanh chóng tìm được khách hàng thay thế, thậm chí mở được hướng đi mới cho doanh nghiệp. Đội ngũ nhân viên của bạn rất cần bạn tỏ ra là người có bản lĩnh như vậy. Hãy duy trì lòng tự tin và làm gương cho việc giữ vững tinh thần, nhuệ khí làm việc cho các nhân viên của mình.
Động viên nhân viên
Khi khách hàng lớn bỏ đi, hãy dành thời gian gặp gỡ các nhân viên từng có quan hệ trực tiếp với khách hàng ấy để thu thập thông tin và rút kinh nghiệm, đồng thời chủ động chỉ ra cho họ hướng đi trong thời gian tới, đảm bảo ai cũng có công việc và tiếp tục tiến tới những mục đích lớn hơn. Cố gắng tránh việc chuẩn bị rục rịch sa thải nhân viên vì điều đó càng dễ làm doanh nghiệp rệu rã. Một doanh nhân giỏi luôn biết giữ chân nhân viên dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Tin tưởng rằng trong cái rủi có cái may
Đôi khi mất đi một khách hàng lại là một dấu hiệu tích cực, giúp bạn giải phóng khỏi đường ray cũ kỹ để chuyển sang một quỹ đạo phát triển mới có nhiều triển vọng hơn. Nó cho phép bạn tập trung vào việc định hướng phát triển chiến lược và cải thiện hệ thống làm việc của toàn tổ chức. Hãy tin rằng mất một khách hàng là chuyện hoàn toàn bình thường trong kinh doanh và sự xuất hiện một khách hàng mới cũng là chuyện bình thường tương tự.
Điều cốt lõi là từ sự mất đi một khách hàng lớn, bạn sẽ có kinh nghiệm chuẩn bị kỹ càng hơn để đối diện với những thách thức khác trong tương lai và củng cố sự gắn kết chặt chẽ của bạn với những nhân viên cốt cán của mình để cùng nhau phát hiện và khai thác những cơ hội kinh doanh mới lớn hơn.
Theo Entrepreneur/Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông