Giá heo hơi tăng liên tục từ đầu tháng 9 tới nay và đang dao động ở mức 4,7 – 5 triệu đồng/tạ, đây là mức giá cao nhất tính từ đầu năm.
Ghi nhận từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lượng heo tái đàn trong cả quý 3 luỹ kế tới thời điểm này vẫn thấp hơn cùng kỳ và đa phần chưa đạt trọng lượng xuất chuồng. Người chăn nuôi vẫn lo lắng “không biết tết tới, giá cả ra sao”.
Với nghề làm bột và tận dụng phụ phẩm để nuôi heo, ông Nguyễn Văn Thành ở ấp Tân Phú (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) thường xuyên duy trì nuôi 30 heo nái, bán con giống và kết hợp nuôi khoảng 100 con heo thịt. Theo ông Thành, nghề chăn nuôi mấy năm gần đây sống được nhờ nguồn phụ phẩm từ nghề làm bột không biết bỏ đi đâu, nên nuôi heo chủ yếu chỉ là để giải quyết cặn bột và công ăn việc làm tại chỗ.
Ông Thành nhẩm tính: “Nếu không tính phụ phẩm nghề bột tận dụng được làm thức ăn nuôi heo, chi phí đầu tư bằng tiền mặt gồm: con giống, thức ăn tổng hợp, tính bình quân cũng đã hơn 3 triệu đồng/tạ heo hơi (chưa tính chi phí thuốc thú y, khấu hao chuồng trại, tiền điện, công lao động…), thời gian nuôi kéo dài 6 – 7 tháng”. Chính vì vậy khi giá heo hơi “bình ổn” ở mức 3,3 – 3,5 triệu đồng/tạ, như hồi trung tuần tháng 8 vừa rồi thì hầu như người nuôi không có lời, thậm chí lỗ nặng vì có thời điểm giá heo hơi chỉ còn 2,8 triệu đồng/tạ.
Một thực tế mà hầu hết những người theo đuổi nghiệp chăn nuôi như ông Thành đều ghi nhận được trong ba năm trở lại đây là: giá heo hơi tăng gấp đôi, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng nhưng tới gấp bốn lần. Ông Huỳnh Công Quân, chủ tịch hội nông dân xã Tân Phú Trung (Châu Thành, Đồng Tháp), nói rằng: “Đó là bất hợp lý quá lớn mà phần thiệt đổ dồn về nông dân, điều này khiến nghề nuôi không thể phát triển được”.
Nghề nuôi heo ở tỉnh Tiền Giang dẫn đầu ĐBSCL với quy mô tổng đàn hàng năm khoảng 450.000 con, trong đó huyện Chợ Gạo chiếm tới 80%. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tới, phó chủ tịch hội nông dân huyện Chợ Gạo: “Giá heo hơi tăng, gần đây nhiều trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp tiếp tục tái đàn, tuy nhiên sản lượng heo hơi có thể xuất chuồng tại thời điểm này chưa nhiều”. Cũng vậy, ghi nhận hồi tháng trước tổng đàn heo ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều giảm so cùng kỳ, trong đó tỉnh An Giang giảm khá nhiều với hơn 10%.
Ông Huỳnh Công Quân nêu nghịch lý: đã có các biện pháp bình ổn giá heo hơi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tại sao lại không có những biện pháp can thiệp giá thức ăn để bảo vệ lợi ích người chăn nuôi? Trong thực tế, người chăn nuôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm và chấp nhận hơn thiệt theo quy luật thị trường và những yêu cầu ràng buộc của đối tác.
Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Phú Bình, xã Phú Long (Châu Thành, Đồng Tháp) được cho là đơn vị chăn nuôi may mắn ở tỉnh Đồng Tháp khi đơn vị này đã ký được hợp đồng cung ứng heo hơi với một công ty chế biến thực phẩm ở TP.HCM. Ông Chế Văn Mười, phó giám đốc HTX Phú Bình cho biết, theo hợp đồng liên kết tiêu thụ, một doanh nghiệp chế biến đã nhận cung ứng từ đơn vị này khoảng 20.000 con heo thịt trong đợt tết Nguyên đán năm nay. Ông Mười nói: “Hợp đồng này là nó tạo điều kiện cho HTX khi ký kết hợp đồng với nhà cung cấp thức ăn. Sản lượng thức ăn cần mua lớn để duy trì đàn nuôi ổn định, sẽ được nhà cung cấp giảm giá khoảng 20.000 đồng/bao”.
Tuy nhiên, theo tính toán của ông Mười, với giá heo hơi ở mức hiện tại, xã viên cũng như người nuôi heo khác ngoài HTX sẽ có lời, nhưng thị trường heo tết năm nay vẫn là một ẩn số rất lớn mà phần thiệt chắc sẽ tiếp tục rơi về người chăn nuôi. “Khi các nhà kinh doanh thực phẩm đã dự trữ đủ sản lượng phục vụ tết, đương nhiên giá heo hơi trên thị trường sẽ giảm trở lại. Ngược lại nếu nguồn cung thiếu, giá heo hơi tăng, nhiều chính sách bình ổn giá tức thì được triển khai sẽ cắt mất phần lợi của người chăn nuôi,” ông Mười phân tích.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông