Số lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2013, đã tăng đến 52 triệu lượt người so với năm 2012.
Dù kinh tế thế giới vẫn “bươn bả” tìm đường vượt khó trong năm 2013, song đây lại được xem là thời điểm “gặt hái mạnh” của ngành du lịch toàn cầu, với lượng khách du lịch quốc tế đạt tới 1,87 tỉ lượt người – theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) hôm 22.1.
Khó làm ăn thì… đi du lịch
Số lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2013, đã tăng đến 52 triệu lượt người so với năm 2012. Theo ông Taleb Rifai – Tổng Thư ký UNWTO – bất chấp khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi, số người đi du lịch trong năm 2013 đã không những không giảm đi, mà còn giúp ngành du lịch thế giới “đẻ trứng vàng”.
Ngành công nghiệp không khói đã có những bước chuyển mình ngoạn mục, tạo thêm nhiều công ăn việc làm trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phải đóng cửa hàng loạt.
Nhìn trên toàn cầu, mức tăng trưởng du lịch năm nay đã tạo dấu ấn ở hầu khắp các khu vực của thế giới, ngoại trừ vùng Trung, Cận Đông – Bắc Phi đang chìm trong bão lửa chiến tranh. Theo thống kê của UNWTO, Châu Âu vẫn là điểm đến được nhiều du khách ưa thích nhất, với 563 triệu lượt người đến tham quan trong năm 2013, tăng 29 triệu lượt so với năm trước.
Các nước Đông Nam Á cũng là điểm du lịch ngày càng hấp dẫn, đón thêm đến 10% lượng khách. Tăng trưởng du lịch tại Nhật Bản – xứ sở mặt trời mọc – cũng lên tới 24%.
Pháp vẫn là nước giữ được là điểm đến hàng đầu cho du khách ngoại quốc. Năm 2013, nước Pháp đã đón tiếp 83 triệu du khách, tiếp theo sau là Mỹ (67 triệu khách), Trung Quốc – Tây Ban Nha (cùng đón 57,7 triệu người mỗi nước). Số lượng du khách tới thăm Italia cũng tăng mạnh, với tổng số 46,4 triệu lượt du khách.
Tuy dẫn đầu về số lượng khách nhưng Pháp lại chỉ được xếp thứ 3 về thu nhập từ du lịch quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga là hai nước dẫn đầu, trong số 10 quốc gia, có người dân chi nhiều tiền nhất cho các chuyến đi du lịch nước ngoài năm vừa qua.
Các chuyên gia của UNWTO dự báo trong năm 2014, ngành du lịch thế giới sẽ tăng trưởng từ 4% đến 4,5%. Con số này vượt xa mức dự báo trước đó, cho rằng trong giai đoạn 2010 – 2020, mỗi năm trung bình ngành này chỉ tăng trưởng được 3,8%. Theo đó, các điểm đến Châu Á đón thêm 6% khách du lịch, Châu Phi 6% và Châu Âu 5%.
Trung Quốc mạnh cả “đi, lẫn chi”
Theo UNWTO, du khách chi tiền nhiều nhất khi đi du lịch là người Trung Quốc, thậm chí, xếp trên cả những du khách vốn được tiếng về hào phóng hầu bao là Mỹ và Đức. Không những thế, số lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đã tăng lên đến 97 triệu người trong năm 2013, một sự bùng nổ nếu so với hồi năm 2000 mới chỉ là 10 triệu.
So với năm 2012, số du khách Trung Quốc ra nước ngoài tăng 14 triệu người. Theo dự báo, xu hướng du lịch quốc tế tại Trung Quốc vẫn tiếp tục đà tăng, nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại đất nước đông dân nhất thế giới. Trung Quốc hiện cũng đang là cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vượt qua Nhật Bản hiện chấp nhận vị trí thứ 3 về kinh tế.
Theo UNWTO, tổng số tiền mà du khách Trung Quốc đã chi tiêu lên tới 102 tỉ USD. Năng lực tiêu tiền của du khách Trung Quốc chi tiêu nhiều đến mức, ở nhiều điểm du lịch, họ được mô tả là “những chiếc ví tiền di động”. Các thị trường du lịch thế giới, đặc biệt là các kinh đô thời trang lớn như Italia, Pháp, Mỹ, đang cạnh tranh để có thể hút khách Trung Quốc, vốn rất ưa thích mua hàng hiệu khi đi du lịch.
Hàn Quốc thậm chí đã tổ chức các đám cưới theo kiểu điệu nhảy ngựa “Gangnam Style” nổi tiếng, để thu hút các cặp uyên ương từ quốc gia láng giềng. Chính quyền Paris (Pháp), gần đây đã lắp đặt các bảng hướng dẫn bằng tiếng Trung, trong đó đưa ra các lời khuyên về văn hóa địa phương, từ phương pháp sử dụng dao nĩa cho tới cách thưởng thức rượu vang.
Theo Lao Động
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông