Năm 1978, một nhân viên quản trị marketing cho một công ty sản xuất máy tính đang đứng trước thử thách vô cùng khó khăn: làm thế nào để quảng bá cho máy tính của công ty ông khi những kênh truyền thông khác đã bị các đối thủ thống trị. Sau rất nhiều chuẩn bị và tính toán, ông đã quyết định gửi email tới 400 người ở phía Tây nước Mỹ để mời họ mua hàng.
Người đàn ông đó tên là Gary Thuerk, và chiếc email đó là sản phẩm của chiến lược Email Marketing đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Sau gần 40 năm và vô số các cuộc “tiểu phẫu”, bộ mặt của Email Marketing đã không ngừng biến chuyển và cải tiến. Công cụ này vẫn giữ vị thế là một báu vật có giá trị với các marketers với sự phát triển của điện thoại thông minh và máy tính bảng ngày nay.
Chiếc email quảng cáo đầu tiên (1978) – 1 chiến email quảng cáo hiện tại (2014)
Nối tiếp với bài viết tuần trước về “5 chiến dịch Email Marketing được thực hiện đúng cách”, hôm nay Mix xin chia sẻ với bạn những bí kíp của chuyên gia cho việc tối đa hóa hiệu quả chiến lược Email Marketing của bạn.
1. Liên tục cập nhật dữ liệu về khách hàng
Khách hàng và hành vi của họ đang thay đổi rất nhanh chóng. Các khách hàng tuổi teen dùng smartphone, chụp selfie và thích Justin Bieber ngày nay khác hẳn với các khách hàng tuổi teen thích đọc báo Hoa học trò vài năm về trước.
Hãy đảm bảo rằng bạn luôn có một cơ sở dữ liệu đúng nhất và cập nhật nhất về các khách hàng cũ và mới, về nhân khẩu học cũng như tâm lý và hành vi của họ.
2. Chia nhỏ ra từng phân khúc thị trường
Tương tự, các khách hàng với các đặc điểm khác nhau cũng có thể có hành vi hoàn toàn khác nhau. Chiến lược Email Marketing của bạn nên bao gồm các chiến dịch hướng đến từng đối tượng và được điều chỉnh sao cho phù hợp với hành vi của từng đối tượng.
3. Cá nhân hóa các email
Khách hàng đặc biệt trân trọng các nỗ lực cá nhân hóa email của bạn. Điều này tạo cho họ có cảm giác rằng email này không phải là spam mà là một cuộc trò chuyện thân mật.
Một số phương pháp cá nhân hóa bạn có thể sử dụng là: thêm tên khách hàng vào dòng chào (“Kính gửi…”, “… thân mến”…), giới thiệu các nội dung nên đọc dựa trên hành vi truy cập của họ trên trang web của bạn…
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các email với nội dung được các nhân hóa có lượng phản hồi tăng 15-25%, tỷ lệ được nhấp chuột tăng 25-35%.
4. Đừng chỉ gửi email để bán hàng
Chiến lược Email Marketing của bạn cũng nên bao gồm các loại email có mục đích khác nhau. Thi thoảng gửi những email chúc mừng ngày nghỉ lễ, hoặc các email cảm ơn nhằm tri ân khách hàng sẽ tăng thêm gắn kết thương hiệu và tạo dựng được một mối quan hệ khăng khít hơn với họ.
Chiến lược về nội dung cho Email cũng là một vùng đất rộng để bạn có thể thỏa sức sáng tạo. Trang thiết kế nội thất Houzz gửi các email hàng tuần để tổng hợp những xu hướng trang trí nhà cửa nóng hổi nhất trên trang web của họ trong tuần, mạng xã hội cho người đọc sách Goodreads cung cấp các nhận xét và bàn luận mới về những cuốn sách mà khách hàng đã đọc…
5. Dùng một mẫu giao diện cố định cho các email của bạn
Mẫu giao diện cố định sẽ đảm bảo khách hàng nhận ra được email của bạn, tăng độ nhận biết thương hiệu cũng như tạo trải nghiệm thương hiệu ổn định.
6. Tạo tương thích với giao diện điện thoại
47% số email được mở ra là ở màn hình điện thoại (Số liệu năm 2013 của hãng marketing Litmus)
Nếu email của bạn được thiết kế cho màn hình lớn hơn màn hình của khách hàng, khách hàng có thể không tiếp nhận được các thông tin quan trọng, hay cảm thấy bực bội và dẫn đến ấn tượng tiêu cực về thương hiệu của bạn.
Sau đây là một số cách để email bạn hiển thị tốt trên màn hình điện thoại:
- Viết toàn bộ email thành 1 cột
- Tăng cỡ chữ
- Các nút bấm nên có kích thước ít nhất là 44×44 pixels
- Để diện tích dòng Call-to-Action lớn và dễ chạm trúng
7. Thử nghiệm liên tục
Với sự khó đoán của hành vi khách hàng và sự thay đổi liên tục của thị trường, không có chiến dịch nào đảm bảo thành công đến khi đã được bạn thử nghiệm và đo lường. Bạn nên thử nghiệm tách biệt một số yếu tố sau đây:
- Bố cục và thiết kế email
- Giọng điệu trong email
- Độ dài email
- Tần suất và thời gian gửi
- Nội dung các dòng “Người gửi”, “Tiêu đề”, Pre-text, Lời chào
- Calls-to-Action (Các dòng kêu gọi hành động trong email)
Theo mixdigital
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông