Kiến thức Marketing 5 sai lầm”giết chết” fanpage Facebook

5 sai lầm”giết chết” fanpage Facebook

5
Làm truyền thông thương hiệu trên fanpage cũng là một kênh để góp xây dựng thương hiệu cho chính công ty mình. Nếu không làm đúng cách, bạn sẽ nhanh chóng “giết chết” thương hiệu của mình.
Làm tiếp thị trên phương tiện truyền thông xã hội là đưa lại thông tin có giá trị cho khách hàng thông qua các nội dung mang tính giáo dục, giải trí và các thông tin giảm giá, khuyến mại dành riêng cho những người theo dõi của bạn.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Ảnh minh họa
Barbara Walsh, một chuyên gia về chiến lược tiếp thị người Mỹ trên trang walshonemarketing.com, đã có nhiều bài viết về những bài học khi xây dựng fanpage thươnghiệuu. Theo Walsh, muốn xây dựng một fanpage thương hiệu thành công, bạn cần phải tuyệt đối tránh không mắc phải 5 sai lầm chết người.
1. Trình bày cẩu thả, không hấp dẫn
Hãy giữ cho trang fanpage nhìn luôn hấp dẫn và chuyên nghiệp. Muốn thế, bạn hãy sử dụng những hình ảnh có chất lượng tốt, viết đúng ngữ pháp, chính tả và văn phong phù hợp.
Cần phải tránh tuyệt đối dùng những ảnh nền rối mắt, nhòe nhoẹt, nội dung bài đăng lủng củng, hình ảnh mờ xấu… Nên nhớ rằng, hầu hết người theo dõi sẽ ngầm mặc định cách bạn trình bày fanpage giống như việc bạn chăm chút ra sao cho sản phẩm của mình.
2. Tự quảng cáo quá lố
Facebook là một nền tảng được sinh ra để kết nối và giúp mọi người giải trí.Khách hàng theo dõi fanpage của bạn là mong nhận được những thông tin được trình bày một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn và có chút ít tính giải trí chứ không phải để xem bạn tâng bốc chính mình.
Vì vậy, cách nhanh nhất để đánh mất người theo dõi là chẳng cần phải làm gì cả mà hãy liên tục tự khen mình.
Trước kia, quy luật đăng nội dung trên fanpage thường là 80/20(%), nhưng giờ đây tỷ lệ hợp lý sẽ là 70/20/10(%).
Trong đó, 70% là nội dung bạn chia sẻ lên fanpage là những thông tin thú vị từ các nguồn khác, 20% là các nội dung do bạn tự sản xuất (video, hình ảnh, bài viết PR… cho thương hiệu) và 10% để tự khen mình. Hãy nhớ, chỉ 10% là quá đủ.
3. Không trả lời các bình luận và những phản hồi tiêu cực
Sở dĩ ngành tiếp thị trên các công cụ mạng xã hội có thể phát triển được là vì nó tạo ra một nền tảng để làm dịch vụ khách hàng trực tuyến.
Nếu chừng nào bạn vẫn còn nghĩ rằng fanpage không giống như một diễn đàn chăm sóc khách hàng thì tốt nhất, bạn đừng mở fanpage.
Khách hàng biết rằng họ có thể phản hồi cho bạn ngay tại đây và họ cũng muốn nhận về phản hồi ngay tại đây, càng sớm càng tốt, nhất là những khi họ phàn nàn.
Có đôi khi khách hàng sẽ tế nhị nhắn riêng cho bạn nhưng cũng có khi họ sẽ bình luận thẳng thừng để tất cả mọi người đều thấy. Bất kể trong trường hợp nào, bạn phải chứng tỏ rằng bạn chuyên nghiệp và luôn coi khách hàng là thượng đế.
Hãy trả lời nhanh nhất, chuyên nghiệp, rõ ràng và cầu thị nhất. Đừng bao giờ tìm cách xóa bình luận phản ứng của khách mà hãy like, và tìm cách khéo léo để nói chuyện trực tiếp với khách như gọi điện thoại hoặc nói chuyện riêng.
Việc đó sẽ tránh cho khách nổi đóa giữa chốn công cộng, khiến thương hiệu của bạn bị thiệt đơn thiệt kép: vừa mang tiếng không chuyên nghiệp, vừa bị phơi bày chuyện không hay giữa ‘chốn ba quân’.

4. Admin fanpage có hồ sơ cá nhân xấu xí
Nên nhớ rằng, admin (người quản trị trang) chính là đại sứ cho thương hiệu của bạn trên mạng xã hội. Bạn cần có những đòi hỏi rõ ràng về hồ sơ cá nhân của họ trên Facebook, đừng để nó quá xấu xí, phản cảm hay chứa các nội dung không ổn. Một người mất uy tín trong cộng đồng mạng không phù hợp để làm admin fanpage.
Không có gì tệ hại bằng việc khách hàng phát hiện ra rằng admin quảng cáo trang fanpage này là một người thiếu chuyên nghiệp, nhiều tính xấu, có nhiều hình ảnh hoặc lời nói tiêu cực trên trang cá nhân… Thậm chí, khách hàng có thể tự suy theo kiểu ‘doanh nghiệp thế nào, nhân viên thế nấy’.
Đồng thời, bạn cần có những thỏa thuận rõ ràng với người quản trị nghiệp vụ giao tiếp, am hiểu về thương hiệu, kỹ năng giải quyết tình huống, khả năng quản lý rủi ro… để đảm bảo họ duy trì fanpage một cách chuyên nghiệp nhất.
5. Sự trì trệ
Nếu bạn đã mở một fanpage, hãy cố gắng duy trì hoạt động của nó càng đều đặn và thường xuyên càng tốt, dù nó đang có ít hay nhiều người theo dõi.
Nếu bạn không kham nổi việc này, tốt nhất hãy đóng trang fanpage lại, đừng để nó ở trong tình trạng phủ bụi hay ngắc ngoải chờ… khai tử. Bạn nên hiểu rằng, những gì bạn thể hiện trên fanpage rất dễ khiến người xem hình dung đến tình trạng của doanh nghiệp bạn. Vì vậy, thà không có fanpage, còn hơn là có một trang fanpage không đàng hoàng và chỉn chu.

Theo Infonet

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không