“Người ta rất sợ, Việt Nam nằm mãi ở khu vực thu nhập thấp chứ chưa nói tới trung bình”, ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Thương mại nói.
Ông Trương Đình Tuyển.
Câu chuyện về “bẫy thu nhập trung bình” đang làm “nóng” các diễn đàn kinh tế thời gian gần đây. “Đấy là câu chuyện dài.” – Ông Tuyển chia sẻ.
Theo GS. Kenichi Ohno, chuyên gia người Nhật về kinh tế Việt Nam: “Bẫy thu nhập trung bình là tình huống một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập nhất định với một nguồn lực và lợi thế nhất định mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.”
Dựa trên cơ sở tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại, cùng năng suất lao động kém, đồng thời sự chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức, GS. Kenichi Ohno cho rằng: “Việt Nam đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình với một loạt các dấu hiệu đáng lo ngại.”
GS.TS. Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhìn nhận: “Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp), nên cũng khá quan tâm tới nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình.”
Về nguy cơ dính “bẫy thu nhập trung bình” của Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển, bày tỏ sự lo lắng: “Hiện tại chúng ta đang nằm ở khu vực thu nhập thấp, người ta đang rất sợ Việt Nam nằm mãi ở khu vực thu nhập thấp chứ chưa nói tới trung bình!”
Để có thể tránh rơi vào bẫy thu nhập, theo ông Tuyển vấn đề quan trọng nhất chính là cải cách thể chế: “Vấn đề ở đây không phải tài nguyên thiên nhiên hay địa lí, chính là thay đổi thể chế, chúng ta mới mong vực kinh tế lên được.”
Ông Tuyển dẫn chứng: “Philippin, là một nước phát triển trong thời kì trước vượt xa Malaysia, Hàn Quốc, nhưng bây giờ thì đang luẩn quẩn mãi không tăng trưởng kinh tế được, vì một điều đơn giản chưa thống nhất về mặt thế chế.”
Hành động và thay đổi cách nghĩ có thể sẽ rất hữu ích, GS. Kenichi Ohno, nói: “Việt Nam có hai nhóm vấn đề cần thay đổi. Thứ nhất là thay đổi cách nghĩ của lãnh đạo mà Việt Nam vẫn gọi là thay đổi tư duy và thứ hai là thay đổi chính sách.”
Theo Seatimes
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông