Với mục tiêu phát triển kinh tế, tăng nguồn vốn Ngân sách, hầu hết ở các nước đều có hoạt động Nhà nước đầu tư vốn ở nhiều lĩnh vực, nhưng nhìn chung đều tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải (đường sắt, đường hàng không, cảng biển,…); truyền thông, năng lượng, dịch vụ tài chính, ngân hàng và an ninh quốc phòng.
Ảnh: Minh họa. Nguồn Internet.
Các nước tập trung vào ngành, lĩnh vực trọng điểm
Tuy nhiên, việc đầu tư vốn Nhà nước vào các lĩnh vực có thể thay đổi qua các thời kỳ/giai đoạn của nền kinh tế.
Ví dụ, trước 2010, tại Pháp tập trung đầu tư nhiều vào các ngành, lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, truyền thông, dịch vụ tài chính. Sang giai đoạn năm 2010 đến nay, Pháp đang chuyển hướng đầu tư vốn Nhà nước vào các lĩnh vực chính như, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, quốc phòng.
Trong đó, Nhà nước định hướng thắt chặt nguồn đầu tư cho vũ khí quốc phòng, xây dựng mô hình tối ưu cho ngành năng lượng, khắc phục hạn chế khi liên kết với các ngành khác (môi trường, dịch vụ công cộng…) đồng thời dự báo, đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu chiến lược của quốc gia.
Đối với Thụy Điển, tính đến năm 2010, Nhà nước Thụy Điển đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng/phát điện, lâm nghiệp, khai thác mỏ, tài chính, viễn thông, rượu…
Tại Ma-rốc, trước năm 2010 Nhà nước dành phần lớn vốn đầu tư để đầu tư vào các doanh nghiệp đường sắt, đường cao tốc, đài phát thanh truyền hình, ngân hàng, tín dụng bất động sản, xây dựng. Tuy nhiên, từ năm 2010, Nhà nước Ma- rốc chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công.
Chính phủ Chi-lê lại tập trung đầu tư vào các ngành bưu chính, đường sắt, sòng bạc, y tế, giáo dục, truyền thông, dầu khí, sân bay và đường cao tốc. Nhà nước Hàn Quốc tập trung đầu tư vốn vào một số ngành trọng điểm như điện lực, năng lượng và đường cao tốc.
Ngược lại, mục tiêu đầu tư vốn của Chính phủ Singapore là vì lợi nhuận. Vốn Nhà nước được đầu tư thông qua 2 Quỹ quốc gia là Tổng công ty đầu tư Chính phủ (GIC) và Tập đoàn Temasek. Trong đó, GIC không đầu tư trong nước mà chỉ đầu tư quốc tế (vào cổ phiếu – chiếm 60-70% và trái phiếu (30-40%) mà Mỹ chiếm 33% – mức cao nhất trong tổng đầu tư của GIC (3-2011).
Trong khi đó, đầu tư của Temasek là đầu tư vào doanh nghiệp cả phạm vi trong và ngoài Singapore. Việc đầu tư vốn vào ngành, lĩnh vực nào chủ yếu do Temasek quyết định, nhưng có thể thấy đầu tư trong 5 năm gần đây (2008 – 2012) vẫn chủ yếu tập trung vào dịch vụ tài chính, viễn thông và truyền thông, giao thông vận tải, dịch vụ vận tải và công nghệ, tiêu dùng và bất động sản, năng lượng và khai thác. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tỷ trọng đầu tư vốn vào các ngành dịch vụ tài chính và bất động sản đang có xu hướng giảm, trong khi tỷ trọng đầu tư vào dịch vụ vận tải và công nghệ, năng lượng và khai thác đang có xu hướng tăng lên. Riêng tỷ trọng đầu tư vào ngành viễn thông và tuyên truyền tiếp tục được duy trì ở mức ổn định (khoảng 24%)…
Việt Nam sẽ quy định cụ thể trong Luật
Tại Việt Nam, quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đang thực hiện theo Nghị định 71/2013/NĐ- CP của Chính phủ. Trong đó, nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được xác định: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để tạo ra ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; đảm bảo phục vụ quốc phòng, an ninh; thực hiện điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn.
Điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể, trong đó, đầu tư các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm: Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên; Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, như: Nhà máy điện hạt nhân; Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học…
Tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trình Quốc hội mới đây cũng có một chương quy định về Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Trong đó xác định rõ, Dự án Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp nhằm mục tiêu thực hiện vai trò nòng cốt, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; và để cơ cấu hợp lý nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để phát triển kinh tế- xã hội.
Nhằm đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp, dự án Luật quy định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thuộc phạm vi: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế; Doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực phục vụ cho việc ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Việc cụ thể hóa phạm vi các doanh nghiệp được đầu tư vốn nhà nước sẽ góp phần công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa nguồn vốn của nhà nước đầu tư tại khu vực này.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông