Kiến thức Tài chính kế toán Ngành nông nghiệp tìm cách giải cơn khát vốn FDI

Ngành nông nghiệp tìm cách giải cơn khát vốn FDI

199
Những năm gần đây, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế so với tiềm năng và kỳ vọng. Chính vì thế, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng Đề án thu hút FDI vào nông nghiệp với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để mong muốn “giải tỏa cơn khát” FDI.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa.

Khát vốn FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 4/2014, cả nước có khoảng 16.300 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký lên tới 237 tỷ USD. Đáng chú ý những lĩnh vực thu hút nhiều dự án FDI lại không có ngành nông nghiệp – “trợ đỡ” của nền kinh tế. Nếu như, ngành công nghiệp chế tạo có 8.932 dự án với số vốn đăng ký là 128.279.60 triệu USD; bất động sản có 414 dự án với số vốn đạt 49.313.18 triệu USD, xây dựng là 1.082 dự án với số vốn đăng ký đạt 10.527.65 triệu USD… thì nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 503 dự án với số vốn khiêm tốn 3.624.29 triệu USD. 
Điều đáng nói, trong khi tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm của tất cả các ngành từ năm 2011- 2013 đã tăng liên tiếp thì trong lĩnh vực nông nghiệp lại liên tục giảm từ 130,7 triệu USD (năm 2011) còn 86,73 triệu USD (năm 2013). Trong 4 tháng đầu năm 2014, mặc dù tổng lượng vốn đăng ký mới và tăng thêm giảm so với cùng kỳ 2013 nhưng FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,25% trên tổng số vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam.
Thực tế, phần lớn các dự án FDI vào nông nghiệp tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Các tỉnh vùng sâu, xa hầu như chưa thu hút được dự án nào. Đầu tư FDI trong khu vực nông nghiệp cũng có độ chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản thực phẩm; chế biến lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc. Mặt khác, các đối tác đầu tư vào đây cũng chủ yếu là các quốc gia có nền nông nghiệp chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc trong khi đó, rất ít dự án của Nhật Bản, Mỹ, và các nước EU. Đó là chưa kể tới xu thế gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài ít đầu tư vào sản xuất, mà tập trung vào thành lập các Công ty TNHH để xin quyền xuất khẩu, nhập khẩu và quyền phân phối các sản phẩm nông lâm thủy sản, hoặc xin điều chỉnh giấy phép kinh doanh, xu thế này không phải là định hướng và mong muốn của Việt Nam. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp thu hút gần 37 dự án đầu tư nước ngoài (trong đó FDI là 31 dự án), tương đương với 196 triệu USD (FDI là 179 triệu USD). Nhìn chung các dự án FDI trong nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu từ các dự án gắn liền với nguồn nguyên liệu của địa phương, mặc dù tỷ lệ vốn thực hiện rất cao đạt 99% so với tổng số vốn đăng ký. Các DN FDI không chỉ đem lại nguồn vốn mà quan trọng là đem công nghệ mới, phương thức quản lý mới trong những lĩnh vực mà các nhà đầu tư hoạt động. “Trong bối cảnh đầu tư tư nhân và FDI vào nền kinh tế đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, thì đầu tư của tư nhân và của FDI vào nông nghiệp lại chiếm một tỷ trọng thấp, thậm chí có xu hướng giảm. Nếu cách đây 10 năm tỷ trọng vốn FDI vào nông nghiệp chiếm 5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế thì nay đã xuống xấp xỉ 1%, thậm chí dưới 1% ở các dự án phần lớn có quay mô nhỏ”, ông Phát nhấn mạnh. 
Ngoài những nguyên nhân như tiềm ẩn rủi ro, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có phương thức phù hợp với tính chất, trình độ nông dân; thiếu liên kết bền vững thì chính sách và định hướng chiến lược thu hút FDI vào nông nghiệp còn chưa rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài còn cho rằng, có 3 nút thắt quan trọng khiến FDI vào nông nghiệp thời gian dài vừa qua ảm đạm. Thứ nhất là quy hoạch, trong khi phát triển công nghiệp, dịch vụ đã tập trung quy hoạch vào các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu kinh tế giúp nhà đầu tư yên tâm, thì trong nông nghiệp vẫn chưa có. Chính tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở địa phương làm cho nhà đầu tư không mặn mà, hay nói cách khác, nông nghiệp đã thiếu một chiến lược thu hút FDI dài hạn. Thứ hai là, giải bài toán hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư, nông dân, Nhà nước, đó là cần thiết có lời giải căn cơ và thấu đáo khi mà tình trạng được mùa nhưng mất giá liên tiếp xảy ra, nông dân thường xuyên vi phạm cam kết hợp đồng. Thứ ba, tác động của phát triển công nghiệp và dịch vụ tới phát triển nông nghiệp. Các địa bàn có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt được ưu tiên thu hút công nghiệp và dịch vụ trong đó có FDI, những địa bàn này không còn dư địa cho các dự án nông nghiệp kể cả FDI.
7 giải pháp cơ bản của Đề án thu hút FDI vào nông nghiệp:
1. Tiếp tục duy trì và mở rộng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhưng sẽ loại bỏ các tiêu chí áp dụng ưu đãi liên quan đến việc khuyến khích xuất khẩu và ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước.
2. Chuyển dần các nguồn đầu tư bằng NSNN sang hình thức hỗ trợ 100% lãi suất cho các cá nhân, tổ chức; đồng thời xem xét lại các điều kiện và thủ tục vay vốn tín dụng.
3. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới quy hoạch sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường.
4. Cho phép nông dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông lâm ngư nghiệp nếu không trái với các yêu cầu bảo vệ đất vì lợi ích chung của xã hội
5. Đẩy mạnh thu hút FDI để thực hiện các dự án chế biến gắn với việc phát triển các vùng nguyên liệu.
6. Khuyến khích DN FDI tham gia phát triển hạ tầng nông nghiệp và nông thôn. 
7. Phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển hệ thống đào tạo nghề ở nông thôn.

 

Động lực nào thu hút FDI?
Đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC chia sẻ, những nước có năng lực cạnh tranh thu hút FDI tốt thường là những quốc gia có môi trường đầu tư thông thoáng, với các cơ chế, chính sách thuận lợi. Đối với Việt Nam, Chính phủ cần phải chú trọng vào những ngành có tính cạnh tranh cao; am hiểu những động lực thúc đẩy đầu tư trong những ngành đã chọn. Thu hút FDI trong nông nghiệp không chỉ là phạm vi của Bộ NN&PTNT mà cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành khác để tạo ra những chính sách thu hút đồng bộ… bên cạnh việc cải cách môi trường đầu tư cho từng ngành.
Bà Victoria Kawa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, thu hút FDI đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp, lồng ghép cải thiện và lành mạnh hóa môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. WB và các đối tác phát triển cam kết và mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hướng tới chiến lược đảm bảo thu hút FDI vào nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cần phải xác định đâu là tiểu ngành trong sản xuất nông nghiệp, đâu là tiềm năng thu hút nước ngoài. Đồng thời, cần xem xét ngành nào có tiềm năng lớn để tập trung vào đó, sau đó tiếp tục tham vấn khu vực tư nhân xem các đề xuất cụ thể như thế nào.
Trước các ý kiến tham vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro không chỉ liên quan tới thiên tai, dịch bệnh mà còn là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đã cố gắng đưa ra những chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động. Song không thể phủ nhận những tiềm năng thu hút vốn FDI vào ngành là rất cao với nhiều lợi thế cạnh tranh. 
Hiện, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các nhà quản lý, DN về Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài và lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030. Trên tổng thể nguồn vốn FDI cần hướng vào việc phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như cà phê, chè, chăn nuôi, tôm, cá.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không