Kiến thức Tài chính kế toán Tín dụng ngân hàng kỳ vọng đạt chỉ tiêu

Tín dụng ngân hàng kỳ vọng đạt chỉ tiêu

13
Sau khi âm trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng bắt đầu tăng trưởng trở lại từ cuối quý I cho đến nay. 
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa.

Lãi suất trong xu hướng giảm
Khác với thái độ ngập ngừng hoặc chỉ giảm nhẹ khi trần lãi suất ngắn hạn được điều chỉnh giảm về 6% từ ngày 18/3/2014, thời điểm này, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động ở mức khá mạnh để giảm bớt sức ép chi phí vốn, nhất là từ nửa cuối tháng 4/2014 trở lại đây. Lướt qua biểu lãi suất huy động của nhiều ngân hàng có thể thấy lãi suất kỳ hạn từ 1-6 tháng không còn là một đường thẳng, mà đã có những điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kỳ hạn huy động. Cụ thể, tại các kỳ hạn 1-2 tháng, thay vì niêm yết ở mức lãi suất từ 5,7-6%/năm như trước đây, vừa qua, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất các kỳ hạn này về khoảng 5,5%/năm, còn các kỳ hạn trên 2 tháng và dưới 6 tháng đa phần các ngân hàng vẫn giữ ở mức từ 5,8-6%/năm. Tại VPBank, lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng đang được niêm yết ở mức 5,5%; tại SeABank lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng đang ở mức 5,5%;tại ACB lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng cũng được điều chỉnh giảm về 5,5%/năm…
Động thái giảm lãi suất không chỉ xảy ra trên thị trường huy động vốn từ dân cư và tổ chức, mà còn xảy ra trên thị trường liên ngân hàng. Theo thống kê từ NHNN, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong tuần cuối cùng của tháng 4/2014 có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Đây là tuần thứ hai liên tiếp trong tháng 4 xuất hiện xu hướng này. Cụ thể, lãi suất bình quân các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng dao động trong khoảng 1,75%-3,0%/năm, giảm từ 0,15%-0,25%/năm so với tuần trước đó. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thanh khoản dư thừa là nguyên nhân chính khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong xu hướng giảm.
Phó tổng giám đốc một NHTM cổ phần trên thị trường cho biết, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc, nhưng hoạt động cho vay ra vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, dù lãi suất đầu vào đã giảm nhưng huy động vốn vẫn tiếp tục tăng. Do đó, việc giảm lãi suất huy động là cần thiết giúp ngân hàng giảm chi phí vốn, đồng thời có thể thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.
Tín dụng khấp khởi mừng
Tín dụng của các ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống nói chung đã dương trở lại kể từ cuối tháng 3. Điều này được NHNN đánh giá là dấu hiệu tích cực, tạo đà tăng trưởng trong những tháng tiếp theo, nhất là khi lãi suất từng bước giảm thêm. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, tính đến 22/4/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,93% so với cuối năm 2013, huy động vốn tăng 3,09% so với cuối năm 2013; thanh khoản của hệ thống tín dụng được bảo đảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và hiện ổn định ở mức thấp. Tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Đồng thời, cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. 
NHNN cho rằng, diễn biến này phù hợp với xu hướng của những năm trước (tháng 3/2012 tăng 0,98%, tháng 3/2013 tăng 1,17%). Tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm, theo lý giải của NHNN chủ yếu do các tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của DN ở mức thấp. Một số ngành, lĩnh vực hoạt động SXKD có tính mùa vụ, chưa có nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân khác là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nợ giữa DN và ngân hàng vẫn chưa thuyên chuyển, nên nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn tín dụng.
Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang cho hay, đến tháng 4 tăng trưởng của Sacombank đã đạt khoảng 4,7% và nhiều khả năng sẽ dẫn được cải thiện trong những tháng tới, khi lãi suất giảm và nhu cầu vốn cao hơn. 
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank thông tin, dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm nay của ngân hàng này tăng trưởng tương đối phù hợp, khoảng 7-8% so với chỉ tiêu NHNN giao đầu năm là 13%. Vì thế, nếu tình hình những tháng tới tín dụng cải thiện tích cực, NamA Bank sẽ trình NHNN nới thêm “room”. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tâm, khó có thể sớm đẩy mạnh vốn cho vay, vì thường trong quý I, nhu cầu vốn DN và cá nhân không tăng. Khả năng tín dụng sẽ dần cải thiện từ tháng cuối của quý II và tốt hơn trong các quý tới.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, lãi suất cho vay sẽ cố gắng kéo giảm thêm ít nhất 1-2% kể từ quý II này. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra năm nay khả năng đạt mức 12-13%, nhưng tập trung nhiều cho các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư, áp dụng công nghệ mới trong nông, công nghiệp… Để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%. Riêng tại khu vực TP.HCM, nguồn vốn giải ngân của chương trình kết nối ngân hàng – DN sẽ lên đến 20 nghìn tỷ đồng trong năm nay.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không