Kiến thức Tài chính kế toán Biến động tỷ giá: thận trọng để tránh thiệt hại

Biến động tỷ giá: thận trọng để tránh thiệt hại

16
Nếu là làn sóng sẽ do yếu tố đầu cơ, tâm lý tạo nên vì thế có tính tạm thời; còn nếu là xu hướng sẽ có tính tất yếu vì do yêu cầu nội tại. Vậy sự biến động của tỷ giá trong mấy ngày qua là sóng hay xu hướng?
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa.

Tháng 4/2014 so với tháng 12/2003, giá USD đã giảm 0,13%; nếu tính theo năm, tức là so tháng của năm nay với tháng cùng kỳ năm trước theo thông lệ quốc tế, thì tháng 1 tăng 1,11%, tháng 2 tăng 1,05%, tháng 3 tăng 0,66%, tháng 4 tăng 0,59%, và bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 0,85%. Mặc dù tính theo tháng thì có tháng tăng, tháng giảm; tính theo năm tuy cao hơn, nhưng lại có xu hướng chậm lại. Nếu kết hợp cả hai cách tính, thì sự biến động giá USD trong 4 tháng đầu năm nay được coi là ổn định. 
Tuy nhiên, trong mấy ngày qua giá USD cùng với giá vàng tăng khá mạnh, theo niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD cả mua vào và bán ra đã tăng tới 55 VND/USD, riêng giá bán ra tăng từ 21120VND/USD lên 21170 VND/USD, tăng khoảng 0,3%. Tại một số ngân hàng thương mại khác, giá mua và bán USD còn được niêm yết cao hơn, do giá USD tăng cao đã làm cho việc mua vào ngoại tệ của NHNN tạm thời gián đoạn. 
Đứng trước sự tăng lên của giá USD, đã xuất hiện hai luồng ý kiến đánh giá khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là trạng thái có tính xu hướng, bởi sau 4 năm ở trạng thái ổn định (nếu năm 2010 tăng tới 9,68%, thì năm 2011 chỉ còn tăng 2,24%, năm 2012 giảm 0,96%, năm 2013 tăng 1,09%, 4 tháng đầu năm 2014 giảm 0,13%, hay tháng 4/2014 so với tháng 12/2010 giá USD tăng 4,2%), có thể đã đến lúc giá USD tăng lên theo chu kỳ. Bên cạnh đó, giá USD tăng để phù hợp với giá tiêu dùng của Việt Nam đã và đang tăng cao hơn gấp trên 8,3 lần tốc độ tăng giá USD. Dù cho việc tăng giá USD có thể còn có thêm sự cộng hưởng của yếu tố tâm lý do diễn biến phức tạp từ Biển Đông, từ những biến động trên thị trường vàng, chứng khoán, bất động sản…
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, giá USD biến động trong mấy ngày qua chỉ có tính chất sóng, chứ chưa phải là xu hướng, bởi chủ yếu là do tác động của đầu cơ và yếu tố tâm lý; còn thực chất quan hệ cung- cầu ngoại tệ không bị mất cân đối lớn, thậm chí có nội dung của quan hệ này lại đạt thặng dư khá. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã ở vị thế xuất siêu, với mức xuất siêu lên đến 2049 triệu USD, lớn nhất từ trước tới nay; khả năng cả năm sẽ cao hơn nhiều so với 2 năm trước. Nhập siêu dịch vụ cũng đang trong xu hướng giảm (năm 2011 là 3168 triệu USD, năm 2012 còn 2900 triệu USD, năm 2013 còn 1400 triệu USD). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng qua thực hiện đạt 4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn hỗ trợ phát triển chính thức đạt cao hơn cùng kỳ 6%; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ước đạt 600 triệu USD. Lượng ngoại tệ do khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu tăng cao, có thể đạt trên 3 tỷ USD, do lượng khách tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Hơn thế nữa, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 35 tỷ USD, tăng hàng chục tỷ USD so với cuối năm trước… Chính vì thế NHNN đã khuyến cáo người dân không nghe tin đồn thất thiệt, cần thận trọng khi quyết định các giao dịch mua, bán ngoại tệ và vàng, để tránh những thiệt hại kinh tế không đáng có cho bản thân và cả xã hội.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không