Đó là nhận định được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra khi báo cáo Quốc hội ngày 26.5 về dự án Luật DN với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc “DN được quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm”; tạo thuận lợi, giảm chi phí quản trị DN; bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Ảnh minh họa.
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật DN lần này là tạo thuận lợi và bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với DN. Mặt khác sẽ hiện thức hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc “DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Cụ thể, với các quy định về thành lập và đăng ký thành lập DN, Luật sửa đổi sẽ bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác định vốn pháp định tại thời điểm đăng ký DN, không ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký DN (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện); kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký DN với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội. Giảm tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định Đại hội cổ đông từ 65 xuống 51% với quyết định thông thường; quy định chi tiết hơn về nghĩa vụ của người quản lý công ty; tăng cường yêu cầu minh bạch, công khai; đổi tên “DN tư nhân” thành “DN cá thể”; bổ sung quy định chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng. Đặc biệt với quy định về nhóm công ty, dự thảo luật xác định rõ hơn địa vị pháp lý của tập đoàn kinh tế, theo đó tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký DN. Nhưng sẽ bổ sung quy định rõ hơn về hình thức công ty mẹ – công ty con; cấm các công ty con trong cùng một nhóm công ty cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa cơ cấu và mối quan hệ giữa các công ty trong tập đoàn kinh tế như công khai điều lệ hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung tập đoàn. Ngoài ra, việc giải thể, phá sản DN cũng sẽ được sửa đổi theo hướng bãi bỏ quy định hạn chế sáp nhập, hợp nhất, chia, tách công ty đối với công ty cùng loại hình tổ chức. Cho phép các công ty có cùng bản chất sở hữu có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; quy định rõ hơn và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể DN; thống nhất một đầu mối và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế và công an trong giải quyết thủ tục giải thể DN.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, với những sửa đổi, bổ sung trong dự luật sẽ giúp DN giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính khi gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh, tổ chức lại và giải thể DN; giảm đáng kể rủi ro thương mại và rủi ro pháp lý cho hoạt động kinh doanh; nâng cao quyền tự chủ, tính linh hoạt và mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh; qua đó, giúp DN tận dụng tối đa năng lực, tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển; nâng cao hiệu lực giám sát nội bộ của chủ sở hữu và giám sát thị trường đối với hoạt động kinh doanh; đồng thời qua đó, áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DNNN. Khi quyền lợi của DN được phát huy tối đa, môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn với dự báo sẽ tăng khoảng 50 bậc, để xếp hạng khoảng 60 trên 189 quốc gia. Riêng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng khoảng 30 bậc để xếp hạng khoảng 120 trên 189 quốc gia.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông