Được biết, sau rất nhiều cuộc họp bàn, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã được chỉnh lý. Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết, hiện nay cơ cấu của dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã được định hình ra sao?
Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) hiện có 8 Chương 104 Điều, gộp 1 điều so với dự thảo Luật lần trước. Trong đó giữ nguyên 10 Điều, sửa đổi 57 Điều và bổ sung 37 Điều (trong đó có 12 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết) so với Luật Hải quan hiện hành.
Nội dung của dự thảo Luật vẫn tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: (1) Nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK; (2) Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường
công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia
và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại; (3) Nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; (4) Nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức Hải quan.
Quy định về địa bàn hoạt động Hải quan, thẩm quyền chống buôn lậu của lực lượng Hải quan là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý. Hiện nội dung này được quy định ra sao tại dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) trước khi trình tại Quốc hội vào kỳ họp này, thưa Phó Tổng cục trưởng?
Đúng là nội dung này nhận được rất nhiều ý kiến góp ý. Đa số ủng hộ việc mở rộng địa bàn hoạt động hải quan cũng như việc tăng thẩm quyền chống buôn lậu, gian lận thương mại cho lực lượng Hải quan.
Qua tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, một số ý kiến đại biểu tán thành quy định thẩm quyền truy đuổi của lực lượng Hải quan. Ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, một trong những quan điểm sửa đổi Luật Hải quan là nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Vì vậy, việc bổ sung thẩm quyền của Hải quan trong việc truy đuổi ra ngoài địa bàn hải quan là cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Để bảo đảm tránh chồng chéo trong hoạt động phối hợp ngoài địa bàn hoạt động hải quan, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 6 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế phối hợp giữa Hải quan và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, phạm vi hoạt động của cơ quan Hải quan là khu vực đặc thù liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đối với các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ, buôn lậu, gian lận thuế… nếu không quy định lực lượng Hải quan có thẩm quyền tạm giữ người vi phạm thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát qua biên giới hoặc lên máy bay, phương tiện vận tải khác để xuất cảnh, không đáp ứng yêu cầu kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội.
Vì vậy tất cả các nội dung về địa bàn hoạt động hải quan, thẩm quyền truy đuổi liên tục, thẩm quyền tạm giữ người vi phạm… dự thảo Luật lần trước trình đều được ủng hộ và giữ nguyên như dự thảo.
Nội dung về hệ thống tổ chức Hải quan cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, xin Phó Tổng cục trưởng cho biết, dự thảo lần này có thay đổi gì so với dự thảo lần trước?
Quy định về Hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam tại dự thảo lần này vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam gồm có: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan và đơn vị tương đương.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế và quá trình hiện đại hóa hoạt động hải quan hiện nay, việc tổ chức cơ quan Hải quan phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời bảo đảm hệ thống tổ chức Hải quan chặt chẽ, tinh gọn, hiệu quả trong điều kiện ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong công tác quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh.
Về mối quan hệ giữa cơ quan Hải quan và chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tuy việc tổ chức các cục Hải quan không hoàn toàn gắn với các đơn vị hành chính, nhưng trong công tác tổ chức cũng như hoạt động thực hiện các nghiệp vụ hải quan của cơ quan Hải quan vẫn phải bảo đảm gắn kết với chính quyền địa phương, bảo đảm kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ.
Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho kế thừa quy định của Luật hiện hành theo hướng tổ chức Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời bổ sung quy định có tính chất nguyên tắc trong việc thành lập Cục Hải quan để trên cơ sở đó Chính phủ quy định các tiêu chí thành lập Cục hải quan, cụ thể như sau: “Chính phủ căn cứ vào khối lượng công việc, quy mô, tính chất hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đặc thù, điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa bàn để quyết định thành lập Cục Hải quan”.
Một nội dung trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) được cộng đồng DN rất quan tâm, đó là quy định về kiểm tra sau thông quan. Sau quá trình họp, thảo luận, tiếp thu ý kiến, hiện nay về nội dung này trong Luật được quy định ra sao, thưa Phó Tổng cục trưởng?
Xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, việc kiểm tra sau thông quan là khâu quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý Hải quan trong thực tiễn, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo quy định theo hướng: việc kiểm tra sau thông quan được tiến hành tại trụ sở cơ quan Hải quan và tại trụ sở người khai hải quan trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Quy định này phù hợp với năng lực thực hiện kiểm tra sau thông quan của tổ chức bộ máy Hải quan, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, hạn chế việc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN.
Về thẩm quyền quyết định kiểm tra, để phù hợp với tính chất, mức độ của việc kiểm tra, dự thảo Luật cũng quy định theo hướng việc kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan do Cục trưởng Cục hải quan, Chi cục trưởng chi cục quyết định; việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Cục trưởng Cục Hải quan quyết định.
Quy định như trên đã phân định rõ thẩm quyền đó được giao trong trường hợp kiểm tra sau thông quan, tránh chồng chéo, trùng lặp, không rõ trách nhiệm. Đồng thời mang lại hiệu quả cao, thủ tục kiểm tra đơn giản, nhanh chóng, giảm chi phí không cần thiết, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN.
Xin Phó Tổng cục trưởng cho biết, để đưa Luật Hải quan (sửa đổi) vào cuộc sống Sau khi được Quốc hội thông qua, ngành Hải quan đã và đang triển khai những công việc gì?
Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2015 sẽ thay đổi toàn bộ hoạt động của ngành Hải quan. Vì vậy, để đưa Luật Hải quan (sửa đổi) vào cuộc sống, các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật sẽ phải ban hành trước ngày 15-11-2014.
Theo bước đầu rà soát, dự kiến sẽ có 5 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 15 Thông tư được xây dựng, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Luật Hải quan (sửa đổi).
Đây là một khối lượng công việc lớn cần phải thực hiện trong thời gian ngắn. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng nội dung và kế hoạch triển khai xây dựng các thông tư, nghị định hướng dẫn… trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhằm kịp thời đưa Luật vào cuộc sống.