Cơ cấu đầu tư công vào ngành thủy sản cần được điều chỉnh theo hướng giảm dần, tăng chính sách ưu đãi tín dụng và các chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, PPP… Đó là chia sẻ của ông Trần Kim Long – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN – PTNT cùng DĐDN.
Ông Long cho biết, hiện có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào lĩnh vực thủy sản tại VN nhưng hoạt động theo mục tiêu, nhu cầu riêng lẻ của từng DN, không có sự liên kết trong chuỗi cung ứng và sản xuất. Việc thu hút các dự án FDI lĩnh vực thủy sản vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này có vẻ như vô lý khi mà ngành thủy sản vẫn được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng ở VN…
-Theo ông, nguyên nhân chính của việc thu hút vốn FDI cho ngành thủy sản “èo uột?
Chúng ta đang thiếu một quy hoạch vùng nguyên liệu bài bản. Nói một cách công bằng, việc thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu trong phát triển thủy sản lâu nay có một phần trách nhiệm từ các DN chế biến xuất khẩu. DN đến mùa vụ than thiếu nguyên liệu, nhưng đến nay, chưa có một DN nào mạnh dạn kết hợp với người nuôi để sản xuất theo quy trình khép kín. Người nuôi phải tự xoay sở từ đầu vào đến đầu ra và gánh chịu tất cả những rủi ro trong quá trình sản xuất. Vì vậy, khi sản phẩm làm ra, họ phải bán cho người mua được giá là điều dễ hiểu.
Mặt khác, hiện tại Nhà nước sẵn sàng “trải chiếu hoa” xây dựng hạ tầng mời nhà đầu tư nước ngoài nhưng dường như chúng ta đang thiếu một “tấm chiếu” như vậy để giúp nông dân xây dựng vùng nuôi. Trong khi đó, các DN không thể vừa chế biến, sản xuất, XK đồng thời qui hoạch tốt vùng nuôi cho nông dân. Thực tế này, khiến các địa phương lúng túng trong xây dựng chiến lược quy hoạch thu hút, xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài mang tầm quốc gia.
– Với thực trạng hiện nay, có ý kiến cho rằng chúng ta cần phân bổ lại nguồn vốn đầu tư vào ngành theo hướng giảm đầu tư công, quan điểm của ông?
Nếu các trung tâm nghề cá lớn được thành lập, việc thu hút vốn ODA và FDI sẽ dễ dàng hơn. |
Trong thời gian tới, cơ cấu vốn đầu tư cho thủy sản sẽ thay đổi theo hướng giảm dần vốn ngân sách nhà nước, tăng chính sách ưu đãi tín dụng và các chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, đầu tư theo hình thức đối tác PPP với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Hiện, Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với Metro Cash & Carry Việt Nam và một số DN khác như Cargill, Fresh Studio để thực hiện những dự án PPP trong lĩnh vực thủy sản và đã thu được một số kết quả khả quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang triển khai rà soát lại quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão và quy hoạch hệ thống cảng cá phạm vi cả nước để trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung và đề xuất tiêu chí chính sách đầu tư. Đồng thời, tham mưu Chính phủ và cùng các địa phương quy hoạch chi tiết và kêu gọi xúc tiến đầu tư để hình thành các trung tâm nghề cá lớn, như Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Thơ.
Nếu các trung tâm nghề cá lớn được thành lập, việc thu hút vốn ODA và FDI sẽ dễ dàng hơn. Tổng cục Thủy sản cũng đang tập trung quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, quản lý mặt hàng thủy sản theo chuỗi, cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ để DN an tâm hơn khi đầu tư vào thủy sản.
Con đường phát triển cho ngành thủy sản trong thời gian tới sẽ là thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho hạ tầng thủy sản, dịch vụ hậu cần, các vùng nuôi tập trung, trung tâm giống… Theo đó, đầu tư cho khai thác hải sản tăng từ 27,88% lên khoảng 32%, nuôi trồng thủy sản giữ mức 25,49%, cơ khí dịch vụ hậu cần tăng từ 16,18% lên 23%…
– Xin cảm ơn ông !
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông