Tổng công ty thép Việt Nam phản ánh, năm 2012, đơn vị có NK lô hàng và nộp thừa thuế GTGT, đến nay đơn vị đang lúng túng không biết cơ quan Hải quan hay cơ quan Thuế sẽ xử lý tiền thuế GTGT nộp thừa của đơn vị và thủ tục giải quyết như thế nào.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, việc xử lý số tiền thuế GTGT nộp thừa thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 130 Thông tư số 128/2013/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 128), theo đó trường hợp người nộp thừa tiền thuế GTGT thì cơ quan Hải quan xác nhận số tiền thuế nộp thừa để cơ quan Thuế thực hiện hoàn trả.
Cũng liên quan đến thủ tục hoàn thuế GTGT, Công ty Toyota Việt Nam thắc mắc, cùng một model xe ô tô nhưng đơn vị Hải quan A xác định trị giá tính thuế khác với đơn vị Hải quan B. Như vậy, DN có được xin hoàn thuế phần chênh lệch khi trường hợp đơn vị Hải quan A áp giá tính tính thuế cao hơn đơn vị Hải quan B không?
Trả lời thắc mắc này của DN, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ Điều 6, Điều 24, Điều 26 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15-12-2010 thì người khai hải quan có nghĩa vụ kê khai đầy đủ các chi phí liên quan đến việc mua bán hàng hóa XK, NK tự xác định trị giá tính thuế theo quy định, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai báo, kết quả tự xác định trị giá tính thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra giá khai báo của DN. Nếu có nghi vấn về trị giá khai báo thì tổ chức tham vấn để người khai hải quan phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng từ có liên quan để làm rõ nghi vấn của cơ quan Hải quan.
Trường hợp không làm rõ được nghi vấn thì cơ quan Hải quan sẽ xác định trị giá tính thuế đúng nguyên tắc, trình tự các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Nghị định số 40/2007/NĐ-CP và Thông tư số 205/2010/TT-BTC, Quyết định số 1102/QĐ-BTC. Nếu DN không đồng ý với kết quả xác định giá của cơ quan Hải quan thì có quyền khiếu nại theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Khiếu nại.
Công ty CP Thủy sản Cà Mau thắc mắc về phân loại hồ sơ hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau. DN cũng lúng túng để được xét chọn DN XK uy tín, các DN phải đạt được các tiêu chí gì?
Tổng cục Hải quan cho biết, việc phân loại hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau được quy định tại Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Khoản 6 Điều 127 Thông tư 128, do đó, đề nghị Công ty nghiên cứu thực hiện đúng quy định. Đánh giá DN có hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa XK, NK, thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau được quy định cụ thể tại Khoản 6 Điều 127 Thông tư 128. Căn cứ vào các thông tin hồ sơ DN và cơ sở dữ liệu thông tin xử lý vi phạm của DN, cơ quan Hải quan thực hiện đánh giá và áp dụng thủ tục kiểm tra và hoàn thuế cho DN theo đúng quy định.
Công ty CP XNK Tổng hợp 1 Việt Nam và Công ty Lafooco đều có chung thắc mắc về nộp lệ phí hải quan. DN đang lúng túng bởi, khi thực hiện các thủ tục hoàn thuế GTGT cho DN, phía Cục Thuế sẽ kiểm tra nợ thuế của DN trong đó có nợ thuế Hải quan. Nếu DN còn nợ thuế Hải quan sẽ không được hoàn thuế GTGT. DN cũng cho rằng, cập nhật ngay lên mạng khi DN nộp phí và lệ phí hải quan, điều này tiết kiệm rất nhiều thì giờ cho DN trong việc giải quyết hoàn thuế cho DN.
Về nộp lệ phí hải quan, theo Tổng cục Hải quan, căn cứ Thông tư số 172/2010/TT-BTC ngày 2-1-2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí trong lĩnh vực hải quan quy định: “Đối với đối tượng có hoạt động XK, NK thường xuyên (không phân biệt loại hình XNK) được lựa chọn tự khai, tự nộp lệ phí theo tháng; trong thời gian 10 ngày đầu của tháng tiếp theo phải nộp hết số tiền lệ phí của tháng trước theo quy định hoặc có thể nộp lệ phí theo phương thức nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản qua Ngân hàng. Đối với đối tượng thuộc diện nộp lệ phí hải quan theo tháng, nếu trong tháng có số tiền lệ phí hải quan phải nộp ít thì thực hiện nộp lệ phí hải quan bằng hình thức dán tem trực tiếp lên tờ khai …”. Như vậy, quy định nêu trên đã tạo thuận lợi cho DN được lựa chọn hình thức nộp lệ phí hải quan (theo tháng hoặc nộp ngay bằng hình thức dán tem).
Về bù trừ tiền thuế GTGT được hoàn với các khoản thuế đang còn nợ tại cơ quan Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, theo Điểm 3 công văn số 10724/BTC-TCT ngày 14-8-2013 của Bộ Tài chính thì: “Kể từ ngày 1-7-2013, cơ quan Thuế các cấp thực hiện bù trừ số tiền thuế người nộp thuế được hoàn với số tiền thuế, tiền chậm nộp còn nợ của người nộp thuế do cơ quan Hải quan quản lý theo thứ tự ưu tiên theo quy định tại điểm 2 khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế”. Như vậy, theo hướng dẫn trên việc DN còn nợ tiền lệ phí hải quan sẽ không ảnh hưởng đến việc hoàn thuế GTGT tại cơ quan Thuế.
Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh có hoạt động XNK qua địa bàn quản lý của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng nêu vướng mắc về hồ sơ hoàn thuế cho những nguyên liệu gỗ NK để sản xuất hàng XK vào KCX. Tổng cục Hải quan cho rằng, theo quy định tại Khoản 8 Điều 112 Thông tư 128 thì: “Hàng hoá NK nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc XK ra nước ngoài; trừ trường hợp xuất vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại – công nghiệp và các khu vực kinh tế khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính) được xét hoàn lại thuế NK đã nộp tương ứng với số lượng hàng thực tế tái xuất và không phải nộp thuế XK”.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu mặt hàng gỗ tròn, gỗ xẻ Công ty NK về Việt Nam sau đó tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc XK ra nước ngoài), thì được xét hoàn, không thu thuế NK nếu đáp ứng đối tượng, điều kiện quy định tại Khoản 8 Điều 112 Thông tư 128 và hồ sơ quy định tại Điều 120 Thông tư 128.