Kiến thức Tài chính kế toán Vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên Doanh nghiệp mới...

Vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên Doanh nghiệp mới được tạo hóa đơn tự in

1809
Từ ngày 1/6/2014, doanh nghiệp (kể cả Ngân hàng) phải có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp mới được tạo hóa đơn tự in.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, theo Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì đối tượng được tạo hoá đơn tự in sẽ siết chặt lại.

Cụ thể, Thông tư 39 qui định: Thay bằng việc quy định các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ một tỷ đồng trở lên tính được tạo hóa đơn tự in thì Thông tư lần này đã quy định doanh nghiệp (kể cả ngân hàng) phải có mức vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp mới được tạo hóa đơn tự in.

Đối với doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 1/6/2014 (ngày Thông tư có hiệu lực) để được tạo hóa đơn tự in nếu Doanh nghiệp có số vốn điều lệ dưới 15 tỷ đồng là doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thì phải có thực hiện đầu tư mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định mới được tự in hóa đơn. Các điều kiện đó là: Đã được cấp mã số Thuế; Có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ; Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hoá đơn khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; Là đơn vị kế toán và có phần mềm tự in hoá đơn đảm bảo định kỳ hàng tháng dữ liệu từ phần mềm tự in hoá đơn phải được chuyển vào sổ kế toán để hạch toán doanh thu và kê khai trên Tờ khai thuế GTGT gửi cơ quan thuế; Không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế hoặc đã bị xử phạt và đã chấp hành xử phạt vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế dưới năm mươi (50) triệu đồng …

Cũng theo Tổng cục Thuế cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chủ động in, phát hành và sử dụng hoá đơn chứng từ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 153/2010/TT-BTC nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp từ 1/1/2011 được phép tự in, đặt in hoá đơn và không phải mua hoá đơn của cơ quan Thuế đối với các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ một (1) tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hoá đơn.

Nhưng sau 3 năm, các doanh nghiệp được phép tự in hoá đơn thì số vụ doanh nghiệp vi phạm liên quan đến trốn thuế và gian lận thuế có dấu hiệu gia tăng. Nắm bắt được thực tế đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để sửa đổi một số nội dung nhằm siết chặt quản lý và tránh gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ.

Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014, bãi bỏ Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Các nội dung hướng dẫn về hóa đơn tại các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Các văn bản hướng dẫn khác về hóa đơn không trái với Thông tư này vẫn còn hiệu lực thi hành.

Qui định của Thông tư 39/2014/TT-BTC cũng nêu rõ: Từ ngày 1/6/2014, cơ quan thuế không tiếp nhận Thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu.

Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chưa sử dụng hết các số hóa đơn xuất khẩu đã đặt in và thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính và vẫn có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đăng ký số lượng hóa đơn xuất khẩu còn tồn và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 31/7/2014 (Mẫu số 3.12 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

Từ ngày 1/8/2014, các số hóa đơn xuất khẩu còn tồn đã đăng ký theo quy định tại Khoản này được tiếp tục sử dụng. Các số hóa đơn xuất khẩu chưa đăng ký hoặc đăng ký sau ngày 31/7/2014 không có giá trị sử dụng.

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không