Sáng 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Trong tờ trình Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ bổ sung thêm một số khái niệm mới; sửa đổi làm rõ và chính xác hóa một số khái niệm đã có như góp vốn, phần vốn góp, vốn điều lệ, doanh nghiệp nhà nước.
Quan điểm xây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động của doanh nghiệp, trong đó tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.
Đa số ý kiến đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng đã bổ sung khái niệm doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội) để luật hóa, thừa nhận sự tồn về mặt pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội như một phương thức mới và góp phần cùng với Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.
Đối với hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp, dự thảo cũng bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.
Với nhà đầu tư nước ngoài, tách giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và chứng nhận đầu tư; do đó, bãi bỏ điều 20 Luật Doanh nghiệp 2005.
Cần tiếp tục quy định về Nhóm công ty trong Luật và nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về giới hạn hoạt động của các công ty trong Nhóm công ty, kiểm soát các giao dịch nội bộ, chuyển giá; bổ sung quy định về mô hình công ty mẹ – con trong đó công ty mẹ chỉ thực hiện đầu tư tài chính chứ không tổ chức sản xuất, kinh doanh ; có quy định chặt chẽ về sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng, thao túng, tránh tình trạng thiếu minh bạch, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của môi trường kinh doanh và sự phát triển của thị trường.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu về sự phù hợp giữa các quy định, khái niệm của dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) với các quy định của các Luật và dự án Luật có liên quan để bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, luật hóa tối đa những nội dung đã áp dụng ổn định trong thực tiễn.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông