Kiến thức Chiến lược Thị trường thiết bị an ninh Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ...

Thị trường thiết bị an ninh Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

11
Tự sản xuất các thiết bị giám sát an ninh “made in Vietnam” đang là một hướng đi đầy tiềm năng để dần thay thế các thiết bị nhập khẩu và đẩy mạnh công nghiệp an ninh trong nước song vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Tại nhiều triển lãm về thiết bị an ninh, các thiết bị do Việt Nam tự sản xuất còn rất ít. Ảnh chụp tại “Diễn đàn An ninh kỹ thuật số toàn cầu tại Hà Nội – GDSF Hanoi 2014”.
Thị trường an ninh tại Việt Nam được cấu thành từ hai bộ phận: thị trường cho dân sự và thị trường cho các công trình trọng điểm quốc gia, cho an ninh quốc phòng. Thiết bị an ninh trang bị cho khối an ninh quốc phòng bị chi phối bởi các dự án của nhà nước, số lượng các dự án ít nhưng giá trị các dự án rất lớn.
Trong khi đó, các đơn vị dân sự ít có dự án lớn nhưng số lượng các dự án rất nhiều. Sự gia tăng nhu cầu của các đơn vị dân sự những năm qua đã làm cho thị trường này phát triển lên nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị an ninh vẫn phải đi nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị an ninh chuyên nghiệp châu Á – Chi hội Việt Nam cho rằng: Vấn đề làm chủ an ninh được rất nhiều nước phát triển trên thế giới quan tâm, nhưng ở Việt Nam thiết bị và công nghệ giám sát an ninh vẫn phải phụ thuộc vào nước ngoài nên không thể làm an ninh tốt được, đặc biệt là trong vấn đề bảo mật.
“Hiện nay, phần lớn các dự án lớn của Việt Nam do đối tác nước ngoài đầu tư, họ cũng kiêm luôn việc lắp đặt các thiết bị giám sát an ninh nên tiến tới đây Việt Nam cần từng bước một nghiên cứu các phần mềm thay thế các thiết bị của nước ngoài”, ông Vinh nói thêm.
Ông Vinh cho biết: Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị an ninh mới bắt đầu được chú ý. Các hệ thống giao thông thông minh hầu hết vẫn phải ký kết với nước ngoài thông qua vốn ODA, World Bank… nhưng bắt đầu cũng có một số dự án triển khai tại Việt Nam do người Việt Nam làm chủ về công nghệ.
Về phía doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối lại thiết bị của các hãng đã có thương hiệu, vẫn còn những đơn vị vì chạy theo lợi nhuận, cung cấp các thiết bị kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nên không kiểm soát được các phần mềm bên trong.
Bản thân nhiều doanh nghiệp sử dụng thiết bị giám sát an ninh ở Việt Nam cũng chưa xem trọng hay chưa hiểu biết hết tầm quan trọng của các thiết bị an ninh giám sát dẫn đến thiếu cẩn trọng trong lựa chọn các thiết bị giám sát an ninh như camera quan sát, hệ thống báo động báo cháy, máy dò kim loại, máy soi hành lý, chuông cửa có hình,…
“Một số doanh nghiệp thậm chí còn yêu cầu nhiều nhà cung cấp thiết bị an ninh đến nhưng cuối cùng lại lựa chọn nhà cung cấp giá rẻ nhất mà chưa quan tâm đến chất lượng và độ bảo mật. Nhưng rõ ràng, tiền nào thì của ấy, an ninh không phải vấn đề đi theo rẻ; nếu bản thân doanh nghiệp chưa hiểu biết về các thiết bị này thì cần đến nhà tư vấn chuyên nghiệp để lựa chọn thiết bị đảm bảo”, ông Vinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một thực tế đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam là nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm không có bản quyền (phần mềm crack) nên thường bị lỗi hoặc bị tội phạm mạng tấn công.
Tất nhiên, việc ngăn chặn tuyệt đối các tội phạm mạng đột nhập vào hệ thống hoặc chính các nhân viên làm rò rỉ thông tin doanh nghiệp là điều không thể song nếu có sự chuẩn bị trước thì mức độ ảnh hưởng sẽ không đến mức nghiêm trọng, ông Vinh nói.
Tự sản xuất hoàn toàn hay nhập khẩu phần cứng và tự thiết kế phần mềm?
Hiện nay, ở Việt Nam thị trường thiết bị giám sát an ninh đang bắt đầu bước vào giai đoạn cạnh tranh với hàng trăm doanh nghiệp cung cấp các thiết bị giám sát an ninh có nguồn gốc khác nhau.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này đều đi nhập các sản phẩm hoàn thiện từ các nước khác về bán hoặc nhập phần cứng về để gia công lại, chứ chưa có nhiều doanh nghiệp hoàn toàn tự sản xuất được thiết bị ở Việt Nam.
Ông Võ Duy Chương, Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty Cổ phần thương mại Vạn Xuân (Vantech), một trong số ít các công ty đã tự sản xuất được thiết bị giám sát an ninh trong nước cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động sản xuất được các thiết bị an ninh trong nước và xuất khẩu sang các nước khác.
Thực tế, Vantech đã có thể chủ động sản xuất được 100% sản phẩm ở trong nước với giá thành rẻ hơn so với các thiết bị nhập khẩu và thậm chí còn xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á như Campuchia, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan.
Điều này chứng tỏ triển vọng để các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất được các thiết bị an ninh ở trong nước là hoàn toàn có căn cứ.
Tuy nhiên, ông Mai Xuân Cường, Phó giám đốc marketing Công ty Cổ phần Biển Bạc lại cho rằng: Để phát triển công nghiệp an ninh, nếu bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt tay vào sản xuất các phần cứng thì không thể nào đuổi kịp được các hãng danh tiếng trên thế giới và nếu có sản xuất tại Việt Nam cũng chỉ là đi gia công lại.
Thay vào đó, tại sao không tập trung vào phát triển các phần mềm cài đặt bên trong các thiết bị để vừa tận dụng được ưu thế phần cứng của các hãng đã có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất thiết bị giám sát an ninh vừa chủ động kiểm soát được độ an toàn và bảo mật của thiết bị, ông Cường nói thêm.
Ông Cường chỉ ra một thực tế ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh các dự án lớn thường sử dụng các sản phẩm có thương hiệu, có chứng thực nhập khẩu hoặc từ nhà sản xuất thì các cửa hàng hoặc hộ gia đình không thể tránh khỏi việc dùng các sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải thay đổi được thói quen, nhận thức của người tiêu dùng và nhà cung cấp để hướng đến một thị trường thiết bị an ninh có chất lượng, rõ nguồn gốc. Sau đó, tiếp tục định hướng cho người dân sử dụng các thiết bị do doanh nghiệp trong nước sản xuất hoặc thiết kế phần mềm. 
Có thể thấy rằng, thị trường thiết bị giám sát an ninh của Việt Nam hiện nay còn khá nhiều “đất” cho các doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên phát triển theo hướng nào vẫn cần đến một định hướng lâu dài, theo chiều sâu chất lượng cho người tiêu dùng, nhà phát triển, nhà phân phối; tránh tình trạng chạy theo các sản phẩm giá rẻ, hàng kém chất lượng dẫn đến những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.

Theo Bizlive

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không