Thông tin, dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng trong quản lý hải quan hiện đại. Đây được coi là yếu tố quyết định cho việc áp dụng tự động hóa hải quan, làm căn cứ cho việc đưa ra các quyết định quản lý của cơ quan Hải quan. Bên cạnh những kết quả mà ngành Hải quan đạt được thì vẫn còn những bất cập, gây cản trở không nhỏ trong việc triển khai thủ tục hải quan điện tử, cũng như đáp ứng tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa của Ngành.
Thu thập, xử lý thông tin QLPR giúp cho quá trình thông quan được nhanh chóng và đảm bảo chặt chẽ. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan CK Móng Cái- Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: Q.Hùng
Hình thành bộ khung
Trong những năm qua, ngành Hải quan đã xây dựng 9 hệ thống thông tin, dữ liệu hải quan để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, gồm: Hệ thống thông tin tờ khai hải quan; hệ thống thông tin DN; hệ thống thông tin QLRR; hệ thống thông tin quản lý vi phạm; hệ thống thông tin quản lý nộp thuế; hệ thống thông tin trị giá; hệ thống thông tin tình báo; hệ thống thông tin kiểm tra sau thông quan; hệ thống tiếp nhận thông tin về hàng hóa XNK, phương tiện vận tải XNC trước khi đến cảng. Bước đầu các hệ thống thông tin này đã tạo nền tảng cho việc xử lý dữ liệu, tự động hóa hải quan áp dụng QLRR trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK.
Cho đến nay, toàn Ngành đã tổ chức thu thập, cập nhật 19.941 hồ sơ DN; 2.526 hồ sơ rủi ro, tạo cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá quá trình tuân thủ của DN; quản lý các nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan. Đồng thời, quan hệ phối hợp, hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin hải quan với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan cũng đạt được những kết quả như mong đợi. Đó là, Tổng cục Hải quan đã triển khai công tác trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành trên cơ sở ký kết 6 thông tư liên tịch, cùng với việc thúc đẩy các quan hệ đa phương và song phương về trao đổi thông tin tình báo; hợp tác hỗ trợ đạo tạo kỹ thuật về thu thập, xử lý thông tin QLRR; thực hiện cơ chế chia sẻ thông tin tình báo trong khu vực (RILO)… đã tạo ra những cơ sở quan trọng trong hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin tình báo và QLRR. Cơ quan Hải quan đã thiết lập quan hệ hợp tác với cộng đồng DN trong việc trao đổi, cung cấp thông tin bằng việc ký kết nhiều biên bản ghi nhớ với các hiệp hội ngành hàng. Nhờ đó, cơ quan Hải quan đã chủ động kiểm soát các nguy cơ rủi ro, cũng như tạo thông thoáng đối với các DN tuân thủ.
Còn chồng chéo
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn bị phân tán, chồng chéo; các biện pháp thu thập, xử lý thông tin đang trong quá trình định hình, chưa rõ nét. Hiện nay, ngành Hải quan đang tồn tại 3 hệ thống dọc thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về thu thập, xử lý thông tin. Đó là: Lực lượng QLRR chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin phục vụ QLRR; mảng thu thập, xử lý thông tin thuộc lực lượng kiểm soát hải quan thực hiện thu thập, xử lý thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại; mảng thu thập, xử lý thông tin thuộc lực lượng kiểm tra sau thông quan thực hiện phân tích rủi ro. Trên thực tế, việc tổ chức công tác này ở các cấp đơn vị đang có sự chồng chéo; nhiều thông tin quan trọng phục vụ QLRR chưa được thu thập, cập nhật, quản lý. Đơn cử như việc thu thập, quản lý thông tin DN lại do Ban QLRR Hải quan và Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện.
Hệ thống thông tin, dữ liệu của Ngành hiện nay chưa đáp ứng cả về số và chất lượng. Đến nay, ngành Hải quan vẫn còn bộc lộ những thiếu thông tin trước về hành khách XNK, thông tin về tàu biển XNC, thông tin về chính sách quản lý (giấy phép, quản lý chuyên ngành)… Đồng thời, hệ thống thông tin, dữ liệu còn phân tán dẫn đến việc xử lý dữ liệu không đảm bảo thời gian thực hiện, kết quả xử lý còn thiếu tính thống nhất, thậm chí còn thiếu chính xác. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin nghiệp vụ, đặc biết là các danh mục mã số hàng theo Biểu thuế, theo chế độ chính sách quản lý chưa được chuẩn hóa làm hạn chế việc xử lý dữ liệu tự động trong thủ tục hải quan điện tử. Không những thế, việc quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu còn lỏng lẻo, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong Ngành. Có những thời điểm sử dụng cả 2 danh mục biểu thuế (cũ -đã hết hiệu lực và mới); dữ liệu trên hệ thống nhiều khi bi sai lệch nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu cho việc nhận biết và kiểm soát…
Đề án “Tăng cường năng lực QLRR giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020” đã nêu rõ nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu thập, xử lý thông tin đáp ứng tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan. Trước tiên phải tính đến việc xây dựng, triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu thập, xử lý thông tin ngành Hải quan”; đảm bảo việc thực hiện thống nhất của các cấp, đơn vị trong ngành Hải quan. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa quan hệ phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành liên quan, mở rộng quan hệ thu thập thông tin từ nước ngoài.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông