Kiến thức Tài chính kế toán Công khai, minh bạch trong quản lý NSNN

Công khai, minh bạch trong quản lý NSNN

802
Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, tăng tích luỹ để tăng trưởng kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Chi NSNN đảm bảo ưu tiên cho đầu tư phát triển. Ảnh: S.T

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện Luật NSNN đã tạo khuôn khổ pháp lý về quản lý NSNN thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính sách thu ngân sách, định mức phân bổ chi NSNN, các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về chi NSNN do Trung ương thống nhất ban hành, áp dụng trong phạm vi cả nước, thu ngân sách được tập trung vào Kho bạc Nhà nước và thực hiện phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo Luật định.
Dự toán ngân sách được xây dựng từ cơ sở, được tổng hợp trình Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương xem xét, quyết định. Do vậy, đã đảm bảo quản lý NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai minh bạch, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, chi an sinh xã hội, đầu tư cho kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển tích cực; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
 
Việc công khai ngân sách đã đi vào nề nếp và phát huy tác dụng. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, cũng như của cấp trên với cấp dưới và phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của các đoàn thể, quần chúng nhân dân, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Đồng thời, tạo được kênh thông tin quan trọng phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, nghiên cứu về tài chính – ngân sách của các tổ chức, cá nhân.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Tăng cường phân cấp nguồn thu
Phân cấp quản lý NSNN tiếp tục đảm bảo được vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTƯ). Các nguồn thu lớn, quan trọng của quốc gia được phân cấp 100% cho NSTƯ (các khoản thu từ dầu, khí- chiếm bình quân khoảng 12-15% tổng thu NSNN; các khoản thu từ hoạt động XNK- chiếm bình quân khoảng 15-20% tổng thu NSNN,…), do đó thu NSTƯ được hưởng theo phân cấp cùng với bội chi NSNN chiếm bình quân khoảng 70-75% tổng nguồn NSNN, thu ngân sách địa phương (NSĐP) theo phân cấp (chưa kể số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ NSTƯ cho NSĐP) chiếm bình quân khoảng 25-30% tổng nguồn NSNN.
Do vậy NSTƯ đã đảm bảo thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng của đất nước (đầu tư các chương trình, dự án hạ tầng quan trọng của đất nước, đảm bảo nhiệm vụ chi quốc phòng, an ninh, đối ngoại,…) và hỗ trợ các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách.
Đồng thời, tăng cường phân cấp nguồn thu gắn với quy định thời kỳ ổn định NSĐP cho các địa phương và trao quyền cho địa phương trong việc quyết định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương đã nâng cao vai trò và trách nhiệm, tạo chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong việc quan tâm nuôi dưỡng, khai thác nguồn thu trên địa bàn
Tốc độ tăng thu khá, cơ cấu chi được đảm bảo
Thực hiện Luật NSNN, cân đối NSNN đã chuyển biến theo hướng tích cực, vững chắc; dư nợ Chính phủ, dư nợ Quốc gia, dư nợ công ở mức hợp lý; nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.
Tốc độ thu NSNN hàng năm tăng khá (giai đoạn 2004-2013 bình quân đạt trên 18%/năm và đến năm 2013, thu NSNN đã tăng gần 5,4 lần so với năm 2003). Thu NSNN không những bảo đảm được chi thường xuyên và chi trả nợ mà còn dành tích luỹ ngày càng cao cho đầu tư phát triển. Năm 2003 dành được 29.700 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, năm 2012 là 54.800 tỷ đồng.
Cơ cấu chi NSNN đã bảo đảm ưu tiên cho chi đầu tư phát triển với tốc độ tăng bình quân trên 13,5%/năm, chiếm trên 20% tổng mức chi đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng gần 8% GDP; chi cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề đạt 20%, chi lĩnh vực khoa học công nghệ đạt 2%, chi lĩnh vực văn hoá đạt trên 1,5% và chi sự nghiệp môi trường đạt trên 1% tổng chi NSNN.
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2003-2013, NSNN đã dành 723.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, thực hiện chính sách công chức nhà nước đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, nhờ đó tăng mức thu nhập thực tế của những người hưởng lương, phụ cấp và trợ cấp từ ngân sách.
Ngoài việc thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi vùng sâu, vùng xa,…. NSNN còn bảo đảm chi quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chi quản lý hành chính ở mức hợp lý. Đồng thời, tăng dự phòng, dự trữ, chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh… từ nguồn ngân sách. Bên cạnh đó, cân đối NSNN đã được chuyển biến theo hướng tích cực và dần vững chắc. Vay bù đắp bội chi NSNN cơ bản bảo đảm được nguyên tắc chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho tiêu dùng.
Tính đến hết 31-12-2013, dư nợ công bằng 56,2% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 42,6% GDP và dư nợ quốc gia bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Với mức dư nợ như trên, vay nợ của Việt Nam nằm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia (mức trần theo Chiến lược nợ công: Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50%), không tác động xấu đến kinh tế vĩ mô cũng như phát triển kinh tế- xã hội.
Tăng thực quyền cho HĐND các cấp

Thực hiện Luật NSNN đã bảo đảm vai trò quyết định của Quốc hội về NSNN và tăng thực quyền, tính chủ động của HĐND các cấp trong việc quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách. Phân định rõ quyền hạn quản lý, điều hành ngân sách của Chính phủ và UBND các cấp, bảo đảm sự chỉ đạo điều hành thống nhất thu, chi NSNN trên cả nước.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và những nhiệm vụ quan trọng trong từng thời kỳ. Quy định trách nhiệm và nâng cao quyền chủ động trong quản lý, sử dụng ngân sách của các bộ, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách.

 

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không