Một trong những cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu. Tuy vậy, sức ép cạnh tranh khi mở cửa thị trường sẽ rất lớn.
TPP giúp Việt Nam tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nhất định. Ảnh internet.
Cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu
TPP được ví là hiệp định của thế kỳ XXI. Theo đó, cơ hội mà Hiệp định này mang lại rất lớn. Tại tọa đàm “TPP – cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng (Vacod) tổ chức ngày 5-6, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, TPP là cơ hội để chúng ta cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu.
Thống kê cho thấy, hiện nay trên 60% kim ngạch thương mại của Việt Nam xuất phát với khu vực Đông Á. Nếu tính riêng XK, trên 50% đi vào khu vực Đông Á, còn nhập khẩu trên 70% từ khu vực Đông Á (Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Riêng sự gần gũi về vị trí địa lý đã khiến chúng ta có xu hướng nhập khẩu từ các nước Đông Á.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn từ các quốc gia này là do Việt Nam đã ký các hiệp định tự do với các nước trong khu vực này. Tuy nhiên, trong thương mại việc phụ thuộc quá mức vào một khu vực hay thị trường nào đó thì luôn tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á nổ ra vào năm 1997 thì năm 1998 là năm duy nhất xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,2%, thấp nhất từ trước tới thời điểm đó.
Một trong những mục tiêu chiến lược của chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam là cố gắng đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. “Chính vì vậy, hiện nay, Việt Nam đang đàm phán TPP, FTA với EU, với Liên minh thuế quan gồm Nga, Belarus, Kazakhstan để tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường”, ông Khánh nói.
Bên cạnh đó, TPP cũng giúp sản xuất trong khu vực này cơ cấu lại thành chuỗi nhằm tận dụng hàng rào thuế quan bằng 0%, khi họ di chuyển sản xuất từ các nơi khác sang chúng ta cũng có cơ hội tham gia vào các chuỗi sản xuất trong khu vực. Ví dụ, nếu thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu thuốc lá về 0% hay thuế nhập khẩu nguyên phụ tùng ô tô về mức 0% thì lập tức sản xuất phụ tùng ô tô sẽ dịch chuyển. Trong quá trình dịch chuyển đó Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích của chuỗi dây chuyền cung ứng trong khu vực.
Đặc biệt, TPP giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường thể chế. Khi đó, những chính sách ra đời hướng tới đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, công khai, tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới và tạo việc làm cho người lao động.
Sức ép cạnh tranh
TPP mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng thách thức đến từ TPP cũng không hề nhỏ. Thách thức lớn nhất theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh là sức ép cạnh tranh khi mở cửa hàng hóa nước ngoài vào, dịch vụ và doanh nghiệp nước ngoài vào.
Tuy nhiên, tham gia TPP việc giảm thuế sẽ theo lộ trình chứ không phải ngay lập tức. “Với lộ trình giảm thuế như vậy tôi tin rằng DN sẽ có sự chuẩn bị trước như là bước đệm làm quen dần với sức cạnh tranh”, ông Khánh cho biết.
Thế nhưng theo vị lãnh đạo này, không loại trừ một số ngành hết sức khó khăn, nhất là ngành nông nghiệp do hạn chế có tính cơ cấu khó thay đổi như thịt lợn, thịt bò hay một số chủng loại nông sản khác; bia, rượu, nước giải khát cũng nằm trong diện khó khăn.
Một thách thức nữa khi tham gia TPP cho Việt Nam là sức ép điều chỉnh hệ thống pháp luật. Để tuân thủ TPP, Việt Nam sẽ phải sửa khá nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên việc tham gia TPP khác với việc gia nhập WTO.
Khi gia nhập WTO chúng ta chỉ có 6 tháng để phê chuẩn nghị định thư đó nhưng khi TPP được ký kết phải 2 năm mới có hiệu lực bởi quy trình các nước rất phức tạp. Trong 2 năm đó, chúng ta hoàn toàn có đủ thời gian trình Quốc hội thông qua chương trình sửa đổi văn bản pháp luật có sự góp ý của toàn dân chứ không cấp bách như việc gia nhập WTO.
Thêm vào đó, tham gia TPP tư duy quản lý phải thay đổi theo hướng doanh nghiệp có thể làm tất cả những gì pháp luật cho phép, không coi doanh nghiệp là đối tượng bị quản lý và tìm cách bịt lỗ hổng.
Với việc đàm phán hướng tới giảm thuế theo lộ trình, “phía chính phủ sẽ đảm bảo việc sức ép cạnh tranh đến từ từ, sự thay đổi đến theo lộ trình”, ông Khánh khẳng định. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tập thói quen bỏ trợ cấp bởi quan điểm của các nước tham gia TPP là càng ít trợ cấp càng tốt.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông