Vốn đầu tư cho mỗi con tàu vươn khơi bám biển cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực, vận dụng khoa học công nghệ tiên tiến đang là nhu cầu bức thiết của ngành khai thác hải sản.
Cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ để ngư dân vươn xa đánh khai thác hải sản xa bờ. Nguồn internet.
Theo ông Phan Thuẩn – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, để một chuyến biển thành công, có sản lượng đạt lợi nhuận cao, ngoài sự am hiểu về ngư trường, luồng cá, vị trí cá tập trung theo mùa, mồi câu phù hợp, thời tiết… thì người chủ phương tiện hoặc thuyền trưởng cần có thêm các điều kiện khác như: phương tiện đánh bắt có công suất từ 90CV trở lên, được trang bị đầy đủ máy tầm ngư, định vị, máy kéo câu và các loại máy phục vụ cho thông tin liên lạc để đảm bảo đánh bắt dài ngày trên biển (khoảng 25-30 ngày), lao động cần có khoảng từ 9-12 người, có kinh nghiệm đi biển và thành thạo nghề; nhiên liệu (dầu) từ 5.000 đến 6.000 lít, đá xay từ 800-1.000 cây và lương thực, thực phẩm, chất đốt đủ dùng trong thời gian trên. Trung bình chi phí cho một chuyến biển khoảng từ 150 triệu đến 180 triệu đồng.
“Với những điều kiện cho một chuyến biển trên, ngư dân rất cần Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, có nhiều chính sách mới giúp ngư dân tháo gỡ bớt khó khăn trong giai đoạn hiện này. Cụ thể, kéo dài thời gian hỗ trợ theo quy định của Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa”, ông Thuẩn kiến nghị.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho ngư dân khai thác biển chủ yếu là ngư dân tự bỏ vốn và vay qua các nậu vựa hoặc chủ doanh nghiệp liên kết. Vốn vay ngân hàng trung và dài hạn còn hạn chế. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã nhiều lần đối thoại với ngư dân, tiếp thu các kiến nghị cũng như tham khảo các mô hình tín dụng để từ đó kiến nghị Nhà nước có giải pháp hiệu quả. Nhà nước hiện đã có Quyết định 68/2013/QĐ-Ttg ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đầu tư máy móc trên biển. Chính phủ có Chương trình cho vay vốn trung hạn và dài hạn cho ngư dân, sẽ là điều kiện thuận lợi để ngư dân hiện đại tàu cá, đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá, vươn xa bờ khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Tiến sĩ Ngô Anh Tuấn, nguyên Vụ trưởng vụ Tài chính– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, bền vững, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực khai thác hải sản là cực kỳ quan trọng. Đây là công việc giữ vị trí then chốt trong phát triển khai thác hải sản xa bờ. Trước hết là áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch phù hợp với thực tiễn khai thác hải sản hiện hành, phù hợp với khả năng đầu tư và trình độ kỹ thuật của ngư dân để đảm bảo chất lượng, độ tươi của cá, nâng giá bán cá ngày càng cao theo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường. Về phương tiện đánh bắt, tiến tới sẽ thay đổi vỏ tàu, thiết kế lại các tàu cá với vỏ tàu sử dụng vật liệu mới phù hợp nghề khai thác và vùng biển khai thác. Áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến thay thế sức lao động chân tay; đặc biệt chú trọng nâng cấp trang thiết bị điều khiển tàu cá và bảo quản sau thu hoạch.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Anh Tuấn, công việc có ý nghĩa quyết định để chuyển giao công nghệ thành công là đào tạo nâng cao trình độ nghề cho ngư dân.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông