Kiến thức Tài chính kế toán Cần một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ

Cần một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ

11
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về giải pháp cho vấn đề giảm sự lệ thuộc vào nguyên phụ liệu NK từ Trung Quốc, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đây cũng là dịp để thực hiện chức năng chủ đạo, dẫn dắt thị trường của khu vực kinh tế Nhà nước.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
TS. Trần Du Lịch

Vấn đề DN lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đã tồn tại từ lâu mà chưa có chuyển biến rõ rệt. Theo ông, trong tình hình hiện nay cần có những giải pháp gì để đẩy nhanh tốc độ này?
Đây là vấn đề trung và dài hạn. Lâu nay chúng ta muốn tái cấu trúc thị trường nhưng vật tư và nguyên liệu lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, không chỉ là vấn đề Biển Đông mà còn là trước ngưỡng hội nhập TPP, yêu cầu chúng ta phải thoát khỏi sự lệ thuộc đó.
Giải pháp cho thực trạng này nằm trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đã ban hành vì trong đề án này đã đặt vấn đề phải chuyển từ nền công nghiệp gia công sang sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay phải nói rằng những ngành sản xuất chính của ta chỉ là gia công nguyên liệu của Trung Quốc như điện tử, may mặc, da giày- những ngành mà chúng ta có mặt hàng XK lớn.
Do đó, giải pháp mạnh mẽ hơn là cần hai chính sách cho vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển DN vừa và nhỏ. Hiện nay nhược điểm mà chúng ta không làm được là DN vừa và nhỏ không có khả năng xử lý công nghệ, vậy Nhà nước cần hỗ trợ về khoa học và công nghệ. Trên thế giới, Nhật Bản trong từng giai đoạn phát triển đều có đạo luật như vậy.
Vấn đề thứ hai là nguồn nguyên liệu cần phải tính toán lại. Nếu chúng ta vào TPP mà cứ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc thì rõ ràng chúng ta không hội nhập được bởi yêu cầu của TPP là nguyên vật liệu làm ra sản phẩm phải được sản xuất tại nước sở tại hoặc NK từ thành viên của TPP mà Trung Quốc không tham gia TPP. Tại sao một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam mà chúng ta phải nhập bột cá về làm thức ăn chăn nuôi. Tại sao cứ để nông dân làm lúa 3 vụ mà không có chính sách gì để thay đổi cách làm chỉ còn 2 vụ và 1 vụ để trồng nông sản khác. Hay tại sao trong vấn đề ngư nghiệp, chỉ 10% cá ngừ đại dương mà ngư dân đánh bắt được đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật. Giải quyết vấn đề này, theo tôi cần “bàn tay” của Nhà nước. Cụ thể trong ngư nghiệp cần Nhà nước đóng tàu lớn có hệ thống cấp đông, vận chuyển về đất liền, thay vì việc ngư dân đem đá cây đi đông lạnh cá…
Những giải pháp ông nêu ra chủ yếu là đối với ngành nông, ngư nghiệp vốn là những thế mạnh của Việt Nam. Vậy đối với những ngành công nghiệp nhẹ cần có giải pháp cụ thể gì, thưa ông?
Đối với quy định của TPP cho ngành dệt may xuất phát từ sợi trở đi, vấn đề cần xử lý nhất là tín dụng, cụ thể Ngân hàng Phát triển phải tài trợ tín dụng để các DN đầu tư chuyển từ bông sang sợi. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đẩy mạnh công nghiệp hóa dầu không chỉ để thúc đẩy quá trình hoàn thiện sợi polyester mà còn là giải quyết nhiều khâu đoạn quan trọng khác cho nền sản xuất công nghiệp. Những vấn đề này cần nhiều chính sách đồng bộ. Đó là lý do tại sao cần một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ để giải quyết tất cả chính sách chứ không phải từng mặt. Tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu và ban hành một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ phát triển ngành công nghiệp này.
Không chỉ ngành công nghiệp hỗ trợ, thực trạng ngành Điện tử hiện nay là nhập toàn bộ linh kiện về lắp ráp. Vậy tại sao không tính toán đến “bàn tay” của Nhà nước trong việc hỗ trợ, định hướng DN tại khu công nghệ cao đã và đang hình thành. Vấn đề ở đây là phải thay đổi tư duy. DN không cần công nghệ cao hay thấp mà công nghệ nào có lợi thì họ làm còn Nhà nước muốn công nghệ cao thì Nhà nước phải làm. Đây không chỉ là vai trò của ngân hàng và tín dụng nói chung mà là vai trò của Ngân hàng Phát triển. Ở các nước phát triển, Ngân hàng Phát triển làm chuyện này để phát triển công cụ đầu tư cho đất nước.
Để thực hiện những giải pháp mà ông đưa ra thực sự là một kế hoạch trung và dài hạn. Vậy có nên đặt giải pháp chuyển vùng nguyên liệu từ Trung Quốc sang một trong những thành viên của TPP để Việt Nam thích nghi được nhanh hơn quá trình hội nhập TPP không, thưa ông?
Không phải ngẫu nhiên DN NK nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc. DN nhập nguyên liệu từ thị trường này là bởi yếu tố giá cả. Nhà nước không thể bắt DN làm những việc mà Nhà nước muốn. Do đó, tôi mới nói đây cũng chính là lúc cần sự định hướng dẫn dắt của kinh tế Nhà nước, thực hiện đúng vai trò chức năng của khu vực kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nếu chúng ta bắt tay ngay làm thực hiện các giải pháp thì mới nhanh đến đích được.
Xin cảm ơn ông!
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

Hiện ngành Dệt may đã đến các địa phương để tranh thủ sự đồng tình của địa phương trong các dự án trồng bông để hỗ trợ nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, trong tư duy phát triển không nên đặt quá nhiều vào sự gia công mà cần xác định thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, do đó Chính phủ cần tập trung phát triển một nền nông nghiệp hiện đại để nông nghiệp thành nơi đảm bảo ổn định vĩ mô và an sinh xã hội. Tôi không ủng hộ chính sách gia công mà đất nước chúng ta cần trở nên giàu có trên cơ sở một nền công nghiệp hiện đại. Trên thế giới có nhiều quốc gia giàu trên thế mạnh của mình, đó chính là dựa trên một nền nông nghiệp hiện đại.

Do đó cần một định hướng và hỗ trợ rõ ràng của Nhà nước, ví dụ như thành lập quỹ để ngừa rủi ro trong quá trình chuyển đổi từ nền sản xuất gia công sang công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp hay khi chuyển đổi cơ chế sản xuất từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn. Vấn đề này cần một chính sách cụ thể, sát với cuộc sống trong từng lĩnh vực của mỗi bộ, ngành phụ trách.

Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Về nông nghiệp chúng ta đang lệ thuộc nguồn giống nước ngoài đặc biệt là các giống nông nghiệp từ Trung Quốc. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh đầu tư cho các cơ sở khoa học có tiềm năng như Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, các viện di truyền, đây là những địa chỉ có năng lực nên cần đầu tư để chủ động nguồn giống, dần dần không phải lệ thuộc nguồn giống nước ngoài.

Hai là về công nghiệp, cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh máy móc, phụ liệu cho các ngành công nghiệp đặc biệt cho các ngành cơ khí phục vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện nay có 2 vấn đề. Một là nếu NK máy móc quá tiên tiến sẽ dẫn đến lãng phí. Hai là nếu quá lạc hậu sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động nên cần chính sách của Nhà nước để các cơ sở có các máy móc phục vụ sản xuất hợp lý, phù hợp với thực tiễn. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, người nông dân dựa trên chính trải nghiệm thực tế đã chế tạo ra máy gặt đập liên hợp nhưng đơn lẻ và chưa mang tính đồng bộ, do đó, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân vay vốn và các cơ sở nghiên cứu khoa học cần giúp người dân hoàn thiện sản xuất các loại máy này.

Trong ngành công nghiệp phụ trợ cần chủ động hơn về nguyên liệu về sợi và phụ kiện. Việc sợi cần đẩy mạnh nguồn nguyên liệu bằng bông mà hiện nay chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Bên cạnh đó ngành Dệt may cũng có thể đa dạng nguồn NK từ các nước châu Mỹ nhưng yêu cầu chính trong thời gian trung và dài hạn là chủ động về nguồn nguyên liệu.

Hồ Huệ (ghi)

 

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không