Chất lượng báo cáo tài chính tiếp tục bị báo động sau khi báo cáo tài chính kiểm toán của các DN niêm yết được công bố. Bên cạnh việc số liệu phải điều chỉnh hàng loạt, kiểm toán cũng chỉ ra không ít vấn đề bất ổn. Trong đó, không ít DN bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Những nhập nhèm trong báo cáo tài chính gây ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của cổ đông và nhà đầu tư chứng khoán. Ảnh: N.H
Trồi sụt số liệu
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2013 của Công ty CP Xây dựng Số 15 (V15), lợi nhuận sau thuế của công ty âm 60 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần mức so với mức lợi nhuận âm 30 tỷ đồng trước kiểm toán. Giám đốc V15 Trương Hải Triều giải trình, nguyên nhân của việc tăng lỗ là do kiểm toán đã trích thêm dự phòng các khoản phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn, trích lập trước chi phí kiểm toán năm 2013 dẫn đến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi (tăng 26 tỷ đồng), lỗ sau thuế thu nhập tăng thêm 30 tỷ đồng.
Tương tự V15, lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN) cũng giảm mạnh 50 tỷ đồng so với mức lãi 92 tỷ đồng trước kiểm toán. Theo PAN, lợi nhuận từ công ty liên kết giảm 51 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng lỗ thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết (Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang – AGF). Do khoản đầu tư này được thanh lý sau ngày kết thúc năm tài chính nhưng trước khi ra báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán. Khoản dự phòng lỗ này phát sinh từ chênh lệch giữa giá bán thực hiện được so với phần sở hữu của công ty tại AGF, trong đó chủ yếu là khoản giá trị ghi sổ bất lợi thương mại đã ghi vào lợi nhuận trong năm 2012.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013 của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL) cũng cho thấy kết quả kinh doanh lỗ thêm 2 tỷ đồng, nâng mức lỗ lên 137 tỷ đồng. Theo đó, sau kiểm toán doanh thu thuần tăng nhẹ 0,55% lên 475 tỷ đồng, song giá vốn tăng mạnh hơn khiến lãi gộp chỉ đạt 6 tỷ đồng, giảm 16%. Bên cạnh đó chi phí tài chính cũng tăng thêm hơn 1 tỷ đồng. Theo giải trình của PTL, sự chênh lệch này là do công ty đã thiếu sót trong việc hạch toán một phần lãi vay phải trả. Nhiều DN khác cũng phải điều chỉnh mức lợi nhuận tại báo cáo tài chính kiểm toán như Công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH), Công ty CP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD), Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), Tổng Công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (VCG), Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX)…
Nhiều vấn đề phải lưu ý
Bên cạnh tình trạng hàng loạt DN niêm yết phải điều chỉnh số liệu, kiểm toán cũng nêu ra nhiều vấn đề bất ổn trong hoạt động của các DN. Theo đó, kiểm toán của công ty Deloitte lưu ý đến hoạt động kinh doanh bất động sản là hoạt động kinh doanh chính của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) với tỷ trọng tài sản và nợ phải trả chiếm lần lượt khoảng 94% và 99% trên tổng tài sản và nợ phải trả của công ty tại ngày 31-12-2013. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bất động sản trong nước năm 2013 gặp nhiều khó khăn, dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá – Cát Bà là dự án tạo doanh thu chính của VCR đang được triển khai chậm lại từ năm 2012. Hơn nữa, tại thời điểm 31-12-2013, VCR đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn trả. Theo kiểm toán, các yếu tố này gây nên sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Trong năm 2013, VCR lỗ hơn 35 tỷ đồng, trước đó, năm 2012 VCR cũng báo lỗ gần 41 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2013 của công ty lên gần 66 tỷ đồng.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty CP Vận tải Vinaconex (VCV) do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 158 tỷ và lỗ lũy kế tại ngày 31-12-2013 là 101 tỷ đồng. Kiểm toán nhận định VCV không có khả năng thanh toán đúng hạn khoản vay dài hạn của Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel với số dư 122 tỷ đồng (tại ngày 15-12-2013). Kiểm toán cũng lưu ý, tại ngày 31-12-2013, VCV chưa trích lập dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị 1,3 tỷ đồng và dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn với giá trị 1,9 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán, nếu thực hiện việc trích lập các khoản dự phòng này theo các quy định hiện hành, chi phí sẽ tăng lên và lợi nhuận sẽ giảm đi với giá trị tương ứng.
Các kiểm toán viên cũng lưu ý đối với V15 về khoản phải thu khách hàng đã quá hạn thanh toán trên 1 năm khoảng 47 tỷ đồng (thời điểm 31-12-2013) và giá trị các hạng mục xây dựng dở dang trong hàng tồn kho tại ngày 31-12-2013 đã hoàn thành nhưng chưa được xác nhận khối lượng và/hoặc chưa quyết toán kéo dài trên 3 năm khoảng 15 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013 của V15 ghi rõ, do không thu thập được bằng chứng về giá trị có thể thu hồi đối với số dư các khoản phải thu khách hàng và các khoản hàng tồn kho đã tồn đọng nhiều năm cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần phải trích lập tại ngày 31-12-2013, do đó kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không. Ngoài ra, kiểm toán cũng nhấn mạnh rằng V15 có khả năng thanh toán thấp và gặp khó khăn về quản lý dòng tiền, thu hồi các khoản phải thu, thanh toán các khoản vay và nợ phải trả đến hạn và tìm kiếm hợp đồng mới. Điều này ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Các kiểm toán cũng lưu ý PTL về các khoản phải thu tiền phạt (tại ngày 31-12-2013) do vi phạm hợp đồng với các Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-SG), Công ty CP Thiết bị Nội ngoại thất Dầu khí (PVC-Metal), Công ty CP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (PVC-PT) và Công ty CP Xây dựng Công nghệ và Dân dụng Dầu khí (PVC-IC) với số tiền tổng cộng 30 tỷ đồng chưa được đối chiếu xác nhận nợ. Tại thời điểm 31-12-2012, PTL đã hạch toán bù trừ công nợ phải thu Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn và nợ phải trả Công ty CP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú số tiền 18,9 tỷ đồng nhưng chưa có biên bản bù trừ công nợ ba bên. Theo kiểm toán, những vấn đề trên đã được đưa ra trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2012, nhưng đến 31-12-2013, các vấn đề này vẫn chưa được đối chiếu và xử lý.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông