Kiến thức Tài chính kế toán Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

18
Ngày 5-6, tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã diễn ra Hội nghị–Triển lãm “Gặp gỡ nhà cung cấp và thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao” do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức.
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam
Các DN tìm hiểu nhu cầu công nghiệp phụ trợ.

Hội nghị có sự tham dự của gần 100 doanh nghiệp, trong đó có 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu Công nghệ cao; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các sở ban ngành TP.HCM. Tại hội nghị, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, phân tích về thực trạng nội địa hóa của các ngành, để tìm giải pháp khắc phục.
Theo bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến và Đầu tư TP.HCM, hiện nay TP.HCM đang tập trung kêu gọi vào 9 nhóm ngành dịch vụ; 4 ngành công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phát triển đô thị. Để hỗ trợ cho việc đầu tư vào những ngành, lĩnh vực nêu trên, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là đòi hỏi cấp bách.
Hiện nay, Việt Nam có 30 ngành kinh tế- kĩ thuật cần đến công nghiệp phụ trợ, trong đó có nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng hầu hết các ngành công nghiệp lớn của Việt Nam đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Chẳng hạn, đối với ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, Việt Nam có khoảng 210 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp. Vì vậy, mỗi năm ngành sản xuất ô tô trong nước phải nhập khẩu gần 2 tỷ USD linh kiện, phụ tùng.
Theo bà Phượng, các doanh nghiệp điện tử có mặt tại Việt Nam phần lớn là lắp ráp, tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm, cụm linh kiện, trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản, như: bảng mạch, các linh kiện bán dẫn…
Phân tích về thực trạng tỷ lệ nội địa hóa hiện nay, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM Lê Hoài Quốc cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ví dụ, ngành cơ khí chế tạo, hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn linh kiện, phụ tùng với giá trị nhập khẩu lên tới gần 3 tỷ USD.
Đối với ngành điện- điện tử, nhóm ngành hàng này đang phát triển rất mạnh tại TP.HCM, với số lượng doanh nghiệp chiếm hơn 50% tổ số doanh nghiệp của cả nước về lĩnh vực này, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa có tăng, nhưng cũng chỉ chiếm khảong 20-30%, nên vẫn còn quá thấp so với mong muốn. Bên cạnh đó, tỷ trọng vốn của lĩnh vực sản xuất linh kiện điện- điện tử chỉ chiếm 21,5% tổng số vốn đầu tư của ngành, không đủ đáp ứng nhu cầu cung ứng cho sản xuất sản phẩm điện tử.
Mặt khác, nội địa hóa trong sản xuất sản phẩm điện tử đa số tập trung vào các chi tiết không quan trọng, như: bao bì các chi tiết nhựa, khung vỏ máy… là những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, các linh kiện điện tử có giá trị gia tăng cao đòi hỏi trình độ công nghệ cao, như: linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử… doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được. Nếu có mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nhỏ lẻ, như: wafer FRED của trung tâm R&D Khu công nghệ cao, cảm biến áp suất hợp tác giữa ICDREC và Khu công nghệ cao…
Riêng đối với nhóm ngành công nghệ cao, theo thống kê của Ban Quản lý Khu công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn có mức thấp nhất, với giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 15-17% giá thành sản phẩm, hầu hết nguyên vật liệu là nhập khẩu.
Trước thực trạng trên, ngoài những ưu đãi hiện có dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, TP.HCM đã yêu cầu các sở ban, ngành trong đó có Ban Quản lý khu công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất các gói ưu đãi tốt hơn để khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp trong nước tham gia công nghiệp hỗ trợ, bao gồm ưu đãi về thuế, ưu đãi thủ tục hành chính, các chương trình tiếp thị, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực…
Hội nghị này nhằm chắt lọc, học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong Khu Công nghệ cao. Các doanh nghiệp công nghệ cao trong Khu Công nghệ cao và các công ty cung cấp nội địa, bàn bạc, thảo thuận để tìm được phương án hợp tác tốt nhất.
Song song đó còn có triển lãm trưng bày sản phẩm cần tìm nhà cung ứng công nghiệp phụ trợ. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng bên ngoài Khu công nghệ cao hiểu rõ hơn về nhu cầu nội địa hóa của doanh nghiệp trong khu công nghệ cao.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không