Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) thực hiện công tác xây dựng một số luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình), Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thái Bình đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ: Xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho doanh nghiệp là cần thiết.
Kỳ họp lần này, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến một số luật tác động nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông thấy việc xây dựng các luật này như thế nào?
Công tác xây dựng luật kỳ này Quốc hội có một số luật quan trọng liên quan đến nhiều mặt hoạt động của doanh nghiệp. Việc này là cần thiết.
Về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có nhiều sự thay đổi so với luật hiện hành. Ví dụ như nội dung đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp hiện hành phải ghi đầy đủ ngành nghề kinh doanh vào Giấy phép đăng ký kinh doanh, lần này dự thảo đưa ra thảo luận việc có cần ghi ngành nghề kinh doanh vào Giấy phép đăng ký kinh doanh hay không.
Nếu bỏ được quy định này sẽ góp phần thông thoáng hơn bởi kinh doanh cái gì là quyền của mọi người dân trừ những lĩnh vực Nhà nước cấm hoặc những lĩnh vực Nhà nước cho phép kinh doanh có điều kiện thì mới cần ghi vào. Những lĩnh vực còn lại nên để cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, tạo thuận lợi trong việc kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả và tốt hơn.
Đối với quy định về tỷ lệ góp vốn, ủy quyền của người đại diện…, theo tôi đây là những thay đổi rất cơ bản, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư mà vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Về Luật Đầu tư, từ khi luật ra đời đến nay, đã điều chỉnh được khá nhiều quá trình đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập. Chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, vì thế chúng ta phải sửa luật, không chỉ để phù hợp với tình hình trong nước mà với cả luật pháp quốc tế.
Tới đây QH sẽ thảo luận, nếu thống nhất được một số vấn đề như trong Dự thảo luật cũng sẽ góp phần tạo thêm nhiều điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn vào Việt Nam.
Riêng với vấn đề đầu tư, nhiều đại biểu cho rằng thời gian qua có tình trạng đầu tư quá dàn trải, đặc biệt là đầu tư vào các khu công nghiệp. Qua kiểm tra và giám sát trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông thấy thực tế các khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không và thực tế này cần được khắc phục như thế nào trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi)?
Với Luật Đầu tư hiện hành chúng ta đã thu được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên chính sách mới mở cửa nên vẫn phải vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Tình trạng đầu tư dàn trải ở một số khu công nghiệp, một số doanh nghiệp đầu tư dự án chậm hoạt động, không chọn lọc dẫn tới hiệu quả thấp, thậm chí bị mất cân đối, tỷ lệ dự án hiệu quả thấp, không phải dự án công nghệ cao, chỉ mang tính giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ra, dự án chỉ sản xuất những sản phẩm trong nước có thể làm được không nhất thiết phải cần sự đầu tư của nước ngoài, thế nhưng chúng ta vẫn ưu ái cho một số dự án thực chất hiệu quả không cao.
Điểm bất hợp lý này giờ chúng ta đang phải tìm cách khắc phục, vì thế phải sửa Luật để phù hợp với tình hình thực tế. Trong lúc chúng ta mở cửa, vừa làm vừa rút kinh nghiệm không tránh khỏi có những vấn đề chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc sửa đổi lần này chắc chắn sẽ có những nhìn nhận, đánh giá để hoạt động đầu tư nước ngoài phải mang lại hiệu quả, phát huy năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn.
Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh được tách ra từ một chương trong Luật Đầu tư do yêu cầu cần thiết phải xây dựng một luật riêng quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, vậy theo ông, luật này đã đáp ứng yêu cầu của thực tế chưa?
Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là một sự thay đổi nhằm mục đích quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao nhất.
Về luật này, Quốc hội đang bàn đến các yếu tố: quản lý vốn như thế nào, tỷ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp ra sao, vận động đồng vốn như thế nào cũng như yêu cầu quản lý nguồn vốn đó để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhà nước có điều kiện phát triển tốt hơn. Chính vì vậy, với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, QH sẽ bàn bạc, thảo luận để phù hợp với thực tế hiện nay đồng thời tăng hiệu quả sinh lời từ nguồn vốn đầu tư Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông