Bộ Tài chính có công văn số 6657/BTC-CST ngày 21-5-2014 trả lời kiến nghị của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về các vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan và thuế, trong đó không đồng ý với kiến nghị của VASEP về giảm thuế NK nguyên liệu thủy sản xuống 0%.
Cá nhập khẩu qua đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: T.Hòa.
Trong công văn trả lời VASEP, Bộ Tài chính cho rằng, đối với các loại nguyên liệu trong nước đã và đang nuôi trồng được như: tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc đã được quy định mức thuế suất hợp lý nhằm khuyến khích nuôi trồng trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK. Do đó, Bộ Tài chính giữ quan điểm không giảm thuế NK các loại nguyên liệu thủy sản trên xuống 0% như kiến nghị của VASEP.
Trước đó, tại công văn số 75/2014/CV-VASEP ngày 17-4-2014 gửi Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất họp đối thoại giữa lãnh đạo Bộ với DN thủy sản, VASEP nêu 4 kiến nghị lớn về thủ tục hải quan và thuế. VASEP cho biết hiện có 80-90% giá trị nguyên liệu thủy sản NK cho mục đích sản xuất XK, gia công XK và nhiều loại thủy sản khác đã được Bộ Tài chính đưa thuế NK về 0%. Mặc dù các DN đã được hưởng ân hạn thuế 275 ngày nhưng một số mặt hàng có giá trị thương mại cao như: tôm các loại đang chịu mức thuế NK từ 10-15%; cá ngừ 12-24%, mực bạch tuộc 10-17% …
VASEP cho rằng, với mức thuế NK trên sẽ gây khó khăn cho các DN thủy sản do nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 70-75% nhu cầu của DN chế biến XK, tương ứng với 60-65% tổng công suất của nhà máy chế biến.
Do thiếu nguyên liệu trong nước, trong 3 năm liên tiếp XK mực, bạch tuộc giảm mạnh từ 3,5 đến 10,8%. Quý I-2014, XK cá ngừ cũng giảm đến 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Để duy trì năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm cho lao động, DN buộc phải NK nguyên liệu từ các nước để phục vụ cho sản xuất XK. Chỉ trong vòng 5 năm (từ 2009 – 2012), tổng kim ngạch NK thủy sản đã tăng gấp đôi lên gần 700 triệu USD.
Bên cạnh đó, theo Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16-9-2010 và Quyết định số 2310/QĐ-BNN-CB ngày 4-10-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020, mục tiêu đến năm 2015, XK thủy sản đạt 8 tỷ USD và 10 tỷ USD vào năm 2020. Đồng thời xác định cần NK tương ứng 600.000 tấn thủy sản nguyên liệu (ước khoảng 1,3-1,5 tỷ USD) vào năm 2015 và 1 triệu tấn (tương đương 2-2,5 tỷ USD) vào năm 2020 mới đủ cho hoạt động chế biến và XK.
Để giảm bớt khó khăn, VASEP đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế NK nguyên liệu thủy sản xuống 0% đối với một số loài thủy sản còn đang chịu mức thuế cao, nhu cầu lớn trong khi sản xuất, khai thác trong nước không đáp ứng đủ.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông