Với chủ đề “Từ chương trình tới hành động – Chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 đã diễn ra ngày 5/6 tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng.
Ảnh minh họa.
Khẳng định cơ hội mới…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, diễn đàn giữa kỳ năm nay diễn ra trong bối cảnh tương đối đặc biệt. Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán trong tháng 10 tới.
Bên cạnh đó, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án đối phó, vừa phải duy trì ổn định quan hệ kinh tế – thương mại với Trung Quốc, vừa tránh lệ thuộc vào thị này, thông qua việc đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo ông Vũ Tiến Lộc, hành động phi pháp từ phía Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể tới quan hệ thương mại giữa hai nước. Sự kiện này cũng dẫn đến những sự việc đáng tiếc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh – ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh này, để hỗ trợ DN trong thời gian tới, ông Lộc kiến nghị, Chính phủ cần tiến hành các giải pháp để các FTAs đang đàm phán, đặc biệt là TPP và EVFTA mang lại lợi ích tốt nhất cho DN và nền kinh tế, hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thương mại với Trung Quốc. Đối với quá trình đàm phán FTAs, cần có phương án mềm dẻo nhưng kiên quyết về các lợi ích xuất khẩu của DN, bao gồm các vấn đề về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ phù hợp với cơ cấu, phương thức sản xuất trong tương lai gần của Việt Nam. Ngoài ra, cần đàm phán mạnh dạn và tích cực hơn trong mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa và máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, phương tiện và các sản phẩm tương tự khác mà Việt Nam vẫn bảo hộ lâu nay nhưng không hiệu quả hoặc hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước không tham gia đàm phán. Có cách tiếp cận mở trong cac nội dung đàm phán về mua sắm Chính phủ, quy tắc cạnh tranh, từ đó tạo điều kiện cho việc tăng trường cạnh tranh, minh bạch hóa và thay đổi thị phần giữa các nhà thầu quốc tế ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho thực thi các FTAs, ông Lộc cho rằng, cần xây dựng cơ chế để tư vấn, hướng dẫn DN về các nội dung cam kết thương mại; có các biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của DN, hiệp hội vào các quá trình thực thi FTAs của các cơ quan chính phủ, đặc biệt là quá trình nội luật hóa các cam kết trong FTAs; đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ nhà nước sang các hiệp hội DN, đặc biệt liên quan tới các dịch vụ nhằm kiểm soát, đáp ứng các rào cản kỹ thuật ở thị trường xuất khẩu; hiện thực hóa các cơ chế mà qua đó Chính phủ có thể bảo vệ các lợi ích hợp pháp của DN ở nước ngoài theo các phương thức được dự liệu trong các FTAs.
Ông Marc Townsend, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam thì cho rằng, TPP sẽ mang đến một hướng phát triển tốt cho nền kinh tế, sẽ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu và GDP. Quá trình này cũng giúp phát triển các chuẩn mực mới trong hệ thống quy định chặt chẽ, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Để chuẩn bị cho TPP và các hiệp định thương mại khác, Việt Nam cần lưu ý đến vấn đề chống tham nhũng; thực hiện thiếu mạnh mẽ các cam kết WTO, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ; cơ sở hạ tầng, lao động có tay nghề cao; và sự phối hợp giữa Nhà nước và DN trong việc cải tiến khu vực nội địa.
Theo tính toán của Hiệp hội DN châu Âu, sau khi Việt Nam và EU được ký kết, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng hơn 15%, tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông có thể tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng lên gần 35%. Tuy nhiên, các lợi ích tiềm năng này có thể bị suy yếu, nếu Việt Nam không cam kết thực hiện toàn diện các điều khoản thương mại quốc tế và đảm bảo việc thi hành hiệu quả các điều khoản này.
“Điều quan trọng là Việt Nam phải đảm bảo việc ký kết và thi hành các Hiệp định thương mại tự do, trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015. Trong khuôn khổ đó, Việt Nam cần đảm bảo các DN của mình có sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế” – Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu nhấn mạnh. Do đó, các chính sách bảo hộ cần được lược bỏ nhanh chóng để các DN Việt Nam có thể thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Việt Nam đang bước vào một giai đoạn vô cùng quan trọng, bởi lẽ những thành tựu của các năm tới sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong sự thành công lâu dài của Việt Nam.
… và những cam kết của Việt Nam
Tới dự và phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến xây dựng đối với Việt Nam, đồng thời khẳng định, kinh tế Việt Nam 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, dự kiến cả năm 2014 đã, sẽ và tiếp tục ổn định vững chắc hơn. Dự báo tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 và đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 6% trong 2015. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, năm 2014 kiểm soát lạm phát khoảng 5%. Xuất khẩu bình quân 3 năm tăng trưởng trên 20%. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đảm bảo trên 12 tuần nhập khẩu. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư dự kiến hơn 8 tỷ USD năm 2014. Lãi suất giảm mạnh theo tín hiệu kiểm soát lảm phát. Nợ xấu kiểm soát, từng bước giảm dần.
Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những chuyển biến tích cực, cho dù chưa như mong muốn nhưng đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với phát triển kinh tế, tiến bộ công bằng xã hội được giải quyết, tiếp tục được cải thiện như y tế, giáo dục, giảm nghèo… đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng mục tiêu thiên niên kỷ Việt Nam đã hoàn thành nhiều mục tiêu trước thời hạn.
Đối với sự việc hy hữu xảy ra với DN FDI vừa qua, Thủ tướng khẳng định: việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam đã gây phẫn nộ trong cả dân tộc Việt Nam, một số nơi người dân biểu tình phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Lợi dụng biểu tình yêu nước của người dân, một số người manh động đã cướp giật và phá hoại tài sản DN. Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và không để tái diễn. Việt Nam cũng đã chia sẻ hợp tác, hỗ trợ và hầu hết các DN bị thiệt hại đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường. Thủ tướng cũng cam kết, sẽ cùng chính quyền địa phương bàn bạc cụ thể đối với từng DN bị thiệt hại để đưa ra phương án phù hợp với 2 bên, sớm phục hồi sản xuất.
Liên quan tới mục tiêu phát triển của Việt Nam thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Việt Nam kiên định nhất quán và quyết tâm xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập tự chủ, dân giàu nước mạnh, công bằng văn minh. Việt Nam sẽ là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia, đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Theo Thủ tướng, nếu 2014 tăng trưởng khoảng 5,8%, 2015 khoảng 6% thì từ 2016 đến 2020 là 6,5%. Việt Nam sẽ là một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông