Nếu phía Trung Quốc không tham gia vào các dự án gọi thầu lớn của Việt Nam thì thế giới còn nhiều nhà thầu khác để Việt Nam lựa chọn, chứ Việt Nam không bắt buộc “phải” chọn nhà thầu Trung Quốc vì rẻ hay vì những hứa hẹn trong tín dụng xuất khẩu.
Giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông thì có thông tin cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã tạm thời cấm các công ty quốc doanh của nước này đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành về vấn đề này.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Đây là cơ hội để Việt Nam xem lại chính sách phát triển kinh tế trong trung và dài hạn.
Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về động thái nhà cầm quyền Trung Quốc cấm doanh nghiệp của họ tham gia đấu thầu vào Việt Nam như báo chí đã đưa?
Tôi cho rằng, trong những trường hợp Trung Quốc có những động thái gây sức ép như thế, Việt Nam cần tìm phương pháp để hóa giải, chứ không thể có chuyện “cầu lụy” được.
Chúng ta là chủ nhà, chúng ta có những dự án lớn cần đầu tư và có thể kêu gọi đầu tư quốc tế, đấu thầu quốc tế. Nếu Trung Quốc không tham gia thì chúng ta vẫn còn những nhà thầu khác.
Như vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị những hồ sơ gọi thầu phù hợp. Đừng vì Trung Quốc luôn bỏ ra giá thầu rẻ mà bắt buộc phải chọn nhà thầu Trung Quốc – đó là một cái lỗi trong vấn đề quản lý của Việt Nam. Không phải giá rẻ nhất là tốt nhất cho một dự án.
Chúng ta phải xem xét chất lượng của trang thiết bị thầu như thế nào. Tôi không cho rằng công nghệ Trung Quốc là những công nghệ phù hợp với các dự án lớn của chúng ta.
Vì vậy, khi viết những hồ sơ gọi thầu, Việt Nam phải có những tiêu chí về giá thành, chất lượng… Nếu nhà thầu phía Trung Quốc không hội đủ được những điều kiện đó thì họ cũng không thể được lựa chọn vào sơ thầu chứ nói gì đến đấu thầu!
Bây giờ họ nói họ không muốn tham gia vào những dự án gọi thầu lớn của Việt Nam thì thế giới còn nhiều nhà thầu khác để Việt Nam lựa chọn. Việt Nam đâu có bắt buộc “phải” lựa chọn nhà thầu Trung Quốc vì rẻ hay vì họ hứa hẹn mang lại cho chúng ta những tín dụng xuất khẩu, tài trợ!
Tôi vẫn cho rằng, nếu Trung Quốc đã nói rõ như vậy thì Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp để không lệ thuộc vào phía nhà thầu Trung Quốc.
Theo đánh giá của ông, bối cảnh hiện nay liệu có thể coi là thời điểm để chúng ta bứt phá và thoát khỏi “cái bóng” của kinh tế Trung Quốc?
Hiện nay chúng ta cần phải nhận thức được rằng, “người ta đã dọa mình rồi đấy”! Họ cho rằng mình đã bắt đầu lệ thuộc họ rồi thì mới dọa như thế.
Nếu sự lệ thuộc của nền kinh tế chúng ta vào kinh tế Trung Quốc chưa sâu thì phải cảnh tỉnh, thức dậy. Đó là việc mà cơ quan quản lý phải đặc biệt quan tâm. Chúng ta phải thấy, đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh đề đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp.
Với động thái này của Trung Quốc, theo ông, liệu kinh tế Việt Nam có chịu ảnh hưởng nhiều hay không?
Tôi nghĩ cũng chỉ ảnh hưởng phần nào thôi, tại các dự án mà nhà thầu Trung Quốc có lợi thế hơn hẳn so với các nước khác. Nhưng cũng từ đó mà chúng ta phải nâng cấp vấn đề quản lý chất lượng để khỏi phụ thuộc vào trang thiết bị họ.
Đây là cơ hội để chúng ta xem lại, rằng chúng ta đã quản lý về phát triển kinh tế trong trung hạn, dài hạn tốt chưa, làm thế nào để không phụ thuộc vào những trang thiết bị lỗi thời của Trung Quốc.
Trong trường hợp vắng bóng các nhà thầu Trung Quốc, thời gian tới, cơ hội sẽ rơi vào những nhà thầu tiềm năng nào, thưa ông?
Tùy theo dự án, tùy vào yêu cầu công nghệ (cao hay vừa) mà sẽ có những nhà thầu phù hợp với chúng ta. Các nhà thầu gần chúng ta nhất như Hàn Quốc, Nhật Bản tuy giá cao nhưng chất lượng tốt. Còn một số nhà thầu khác như Malaysia, Indonesia, Úc, New Zealand… họ cũng rất muốn làm việc với Việt Nam.
Tóm lại, tùy theo lĩnh vực mà Việt Nam gọi thầu, tùy theo công nghệ, có rất nhiều bên muốn cung cấp cho Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông