TS.Phạm Sỹ Thành cho biết, với 4,68 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, Trung Quốc đang đứng thứ 14/96 quốc gia, vùng lãnh thổ. Song các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước.
Liên quan đến mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng hiện nay sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam hồi đầu tháng 5, Phóng viên Dân trí đã cuộc trò chuyện với TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TS.Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR.
Thưa Tiến sĩ, quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc không chỉ là mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng, mà còn là mối quan hệ với một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo ông, đâu là mặt lợi và bất lợi với Việt Nam?
Trung Quốc là nước duy trì được tốc độ tăng trưởng cao gần 10% trong thời gian dài hơn 30 năm và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Với dân số gần 1,4 tỉ người và quy mô kinh tế lớn như trên, Trung Quốc đem lại cơ hội thương mại cho tất cả các quốc gia trên thế giới với nhu cầu thị trường không chỉ lớn mà còn đa dạng về phân khúc.
Là quốc gia nằm sát với thị trường khổng lồ này, Việt Nam có cơ hội lớn về mặt thương mại khi hàng xuất khẩu của Việt Nam có tính bổ sung đối với thị trường Trung Quốc và hàng xuất khẩu Trung Quốc có mức giá cạnh tranh phù hợp với thu nhập của số đông người Việt.
Điều này thể hiện qua con số: Năm 1991, khi hai nước chính thức có quan hệ buôn bán, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ đạt 37,5 triệu USD. Năm 2013, con số này đã tăng lên mức 50 tỉ USD, dự kiến sẽ tăng thành 60 tỷ USD vào năm 2015.
Quy mô xuất nhập khẩu sang Trung Quốc hiện nay chiếm 1/5 quy mô thương mại hai chiều của Việt Nam, do đó, rõ ràng Việt Nam có những lợi ích nhất định từ việc gắn kết vào kinh tế Trung Quốc và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của quốc gia này.
Tuy nhiên, vấn đề đối với Việt Nam là trong quá trình gắn kết như vậy với kinh tế Trung Quốc, chúng ta không tận dụng được đầy đủ các lợi ích của sự gắn kết, đồng thời không/chưa có các phương án thay thế trong trường hợp xảy ra rủi ro.
Việc chưa tận dụng được nhiều ích lợi từ hoạt động thương mại với Trung Quốc thể hiện trước hết ở việc chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này liên quan đến trình độ công nghệ và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn rất yếu.
Việt Nam chưa nhận được những ích lợi từ thương mại với Trung Quốc giống như những gì mà Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore nhận được.
Tiếp đó, thương mại tiểu ngạch chiếm một tỉ trọng đáng kể trong thương mại với Trung Quốc, không chỉ tác động đến nguồn thuế thu, gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng hàng nhập khẩu mà còn tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Còn nếu theo con đường chính ngạch, hàng hóa Việt Nam mới chỉ thâm nhập vào các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc. Điều này cũng trực tiếp làm suy giảm lợi ích từ hoạt động thương mại của Việt Nam.
Những bất lợi đối với sản xuất của Việt Nam khi phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà còn tồn tại cả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay 100% cung ứng thức ăn chăn nuôi rơi vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Đài Loan, Pháp, Trung Quốc; 60 – 70% thức ăn cho cá tra và 90% thuốc thú y, thủy sản cũng rơi vào tay doanh nghiệp FDI. Do đó, tác động từ cú “sốc” nguồn cung đối với nông nghiệp có thể còn trầm trọng hơn đối với công nghiệp.
Theo nhìn nhận của ông, sự việc căng thẳng liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ kinh tế song phương? Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc liệu có bị tác động mạnh về sự kiện lần này?
Những căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam có thể gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế của cả hai quốc gia.
Đối với Việt Nam, điều dễ nhận thấy là thương mại, du lịch, đầu tư FDI và các công trình tổng thầu EPC với Trung Quốc đều suy giảm hoặc bị đình trệ. Sự suy giảm hoặc đình trệ này có những tác động tiêu cực khác nhau đến kinh tế Việt Nam.
Nếu các nhà thầu Trung Quốc rút về không thi công, hàng chục dự án điện tiền tỉ đô la Mỹ sẽ nằm “đắp chiếu”. Điều này có thể làm gia tăng chi phí công trình. Việt Nam cũng khó có thể mời các nhà thầu khác tham gia hoàn thiện bởi lẽ toàn bộ máy móc, thiết bị và công nghệ dùng để xây dựng vận hành các nhà máy điện này đều là công nghệ Trung Quốc. Trong khi đó Việt Nam dường như chưa sẵn sàng cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu Trung Quốc.
Trong lĩnh vực thương mại, không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc của các mặt hàng chủ lực Việt Nam bị suy giảm hoặc ngừng lại (xuất khẩu nông sản đang chiếm 30% trong tổng xuất khẩu sang Trung Quốc), mà còn trực tiếp tác động đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản do phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu, con giống, thuốc v.v. từ Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, về thương mại, nhiều mặt hàng xuất khẩu – đặc biệt là nông sản, hàng công nghiệp phụ trợ – có Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Việc rút vốn FDI cũng ảnh hưởng đến cơ hội hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập TPP.
Ngoài ra, cũng phải kể đến việc tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty xuyên quốc gia đặt tại cả hai quốc gia. Trường hợp Adidas là một ví dụ. Năm 2011, khi xảy ra căng thẳng ngoại giao Nhật – Trung, hãng cung ứng lớn thứ 2 của Adidas trên toàn cầu là Yue Yuen đã phải đóng cửa nhà máy của mình tại Trung Quốc do 40 ngàn công nhân biểu tình. Sau khi chuyển nhà xưởng sang đầu tư ở Việt Nam, nhà máy này tiếp tục gặp tình hình tương tự từ các cuộc biểu tình tại Việt Nam vào năm nay.
Bộ trưởng Thăng gần đây có phát biểu “sẽ không lệ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc”. Nhưng thực tế cho thấy, số lượng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu lại rất lớn. Ông có thể lý giải về điều này và để giảm tình trạng trên, theo ông, Việt Nam cần làm gì?
Để giảm bớt những tác động tiêu cực trong tương lai từ việc các công trình trọng điểm rơi vào tay nhà thầu nước ngoài (không chỉ là nhà thầu Trung Quốc), Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu. Có quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình thi công công trình. Mạnh tay xét xử các vụ án tham nhũng, hối lộ trong các công trình liên quan đến vốn ODA và tổng thầu.
Một tiêu chí đang được cân nhắc thay đổi khi mời thầu đó là vấn đề chi phí. Hiện các chương trình mời thầu của Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến vòng đời kỹ thuật hơn là chi phí rẻ. Có nghĩa là ban đầu có thể sử dụng công nghệ đắt tiền hơn so với công nghệ mà các nhà thầu mang ra đấu thầu nhưng tổng thời gian sử dụng của công trình và công nghệ sẽ dài hơn.
Bên cạnh đó, việc mời thầu vào các dự án trọng điểm về năng lượng, khai khoáng có thể tính đến việc ban hành danh mục cấm đấu thầu đối với một số nhà thầu nước ngoài.
Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, việc quản lí tổng thầu vẫn có nhiều khả năng dễ dàng bị lách luật khi trong thực tế vẫn tồn tại hiện tượng nhà thầu Việt Nam “bán lại” hợp đồng cho nhà thầu Trung Quốc sau khi thắng thầu hoặc thầu phụ.
Với Việt Nam, FDI đang là một động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế. Vậy, riêng với nguồn vốn FDI từ Trung Quốc, ông có đánh giá như thế nào?
Trong số các điểm đến đầu tư, châu Á chiếm hơn 60% tổng vốn FDI của Trung Quốc, nhưng ASEAN chỉ chiếm 7-9% trong tổng số này, còn lại 40-45% vốn vào châu Á của Trung Quốc là đầu tư sang Hồng Kông.
Đáng chú ý nguồn vốn FDI Trung Quốc chủ yếu mang đặc điểm của giai đoạn đầu – đi ra bên ngoài mua tài nguyên và mua kỹ thuật: đầu tư vốn nhưng không chuyển nhà xưởng/nhà máy ra nước ngoài do lao động trong nước – đặc biệt lao động tại khu vực miền Trung, miền Tây còn nhiều; đa phần là doanh nghiệp thương mại có mục tiêu thu mua kỹ thuật và tài nguyên; hầu như chỉ sử dụng lao động Trung Quốc.
Số liệu tính toán của chúng tôi cho thấy 60% số dự án và 70% tổng vốn FDI của Trung Quốc nhằm tìm kiếm các tài sản chiến lược và chiếm lĩnh tài nguyên.
Theo số liệu của bộ Công thương, tính từ 1/1/2013 đến hết 15/12/2013, số dự án đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam được cấp mới là 89 dự án, vốn đăng ký cấp mới là 2,276 tỉ USD. Luỹ kế các dự án còn hiệu lực đến hết ngày 15/12/2013, Trung Quốc đã có 891 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt trên 4,68 tỉ USD, đứng thứ 14 trên 96 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong nước (chiếm trên 70% tổng dự án và xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư).
Tuy nhiên, cùng với việc Việt Nam đẩy mạnh đàm phán gia nhập TPP, đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào việc xây dựng nhà máy để sản xuất nguyên vật liệu tại Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ TPP. Các nhà máy 100% vốn Trung Quốc tại Nam Định, Hà Tĩnh v.v.. đều xuất hiện trong bối cảnh này.
Điều đáng chú ý là với những ngành như dệt may, da giày, việc đầu tư nhà xưởng của doanh nghiệp FDI sẽ đặt Việt Nam trước thách thức quản lý việc xử lý nước thải công nghiệp bởi những ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp này (như nhuộm, thuộc da v.v.) đều là những ngành có mức độ ô nhiễm nặng nề.
Ngoài ra, do ưu thế về quy mô, kinh nghiệm hoạt động, việc vốn FDI đổ vào Việt Nam có thể gây nên những tác động tiêu cực đến cấu trúc thị trường của một số ngành. Cụ thể, với những ngành dệt may, da giày v.v. doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâu tóm chuỗi sản xuất tại Việt Nam và chiếm lĩnh vị trí chi phối thị trường, khiến thị trường may mặc nội địa trở thành thị trường độc quyền nhóm. Điều này rất khó kiểm soát bởi lẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp ngoài việc thành lập các doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc còn có thể thâm nhập thông qua kênh M&A.
Với việc tham gia TPP, theo ông, Việt Nam liệu có giảm được áp lực trong thương mại với Trung Quốc hay không? Cơ hội, rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam sẽ thế nào khi tham gia những sân chơi mới, trong khi Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đến năm sau (2015) đã có hiệu lực và sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn ngay trên sân nhà?
Việc vốn FDI Trung Quốc “đón lõng” TPP có thể nói là “tái ông thất mã” đối với Việt Nam. Những cái được của sự dịch chuyển luồng vốn này là với khuynh hướng doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư trực tiếp vào một số khâu nguyên liệu đầu vào của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may (tập trung tại các tỉnh và thành phố như Nam Định, TPHCM) có thể khiến nhập siêu giảm xuống một phần. Nhưng điều này không thay đổi thực trạng lợi ích chủ yếu về mặt kinh tế vẫn rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc thay vì thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Việc đánh giá thực trạng thương mại Việt – Trung theo tôi không quan trọng bằng việc nhìn thẳng vào thực tế ai được lợi từ các hoạt động kinh tế.
Nhưng suy cho cùng, không có cơ sở nào để khuyến khích việc Việt Nam cứ mãi coi dệt may, da giày, thủy sản v.v. là những ngành xuất khẩu chủ lực của mình. Cái bẫy tự do hóa thương mại khi lợi thế so sánh bị cố định và không có động lực để khai thác các lợi thế so sánh động là điều nguy hại hơn nhiều đối với kinh tế Việt Nam. Do đó, việc gia nhập TPP không chỉ đem lại ích lợi thương mại mới cho quan hệ kinh tế Việt – Trung mà còn đem lại cơ hội đổi mới cho kinh tế Việt Nam nếu tận dụng được cơ hội này để cải thiện chất lượng thể chế, tạo ra những thể chế phù hợp với nhịp độ phát triển của thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Theo dân trí
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông